Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2022: Kỳ vọng bước phát triển mới

Dạ Khánh| 13/01/2022 06:09

(HNM) - Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2021 đã trải qua một năm đầy sóng gió bởi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài song lực cầu mạnh được duy trì đã giúp “phá băng” thị trường. Mua bán bất động sản diễn ra nhộn nhịp những tháng cuối năm 2021. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cũng còn những bất cập như giá nhà tăng cao, nguồn cung hạn chế… Năm 2022, nền kinh tế được vận hành trong tâm thế “sống chung với đại dịch” và thị trường bất động sản đang được kỳ vọng có bước phát triển mới tích cực.

Năm 2022, Bộ Xây dựng tiếp tục tăng cường quản lý để thị trường bất động sản phát triển ổn định. Trong ảnh: Khu chung cư Imperia Sky Garden (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Nguyễn Quang

Một năm đầy biến động

Nhìn lại thị trường bất động sản năm 2021, Phó Tổng Giám đốc Kênh thông tin bất động sản Batdongsan.com.vn Nguyễn Quốc Anh khẳng định, thị trường đã trải qua một năm đầy biến động. Quý I-2021, thị trường xảy ra đợt sốt đất diện rộng, trong đó điểm nóng là các tỉnh như Thái Nguyên (tăng 50%), Bắc Giang (tăng 37%)... Tại Hà Nội, sốt đất cũng diễn ra ở các huyện Đông Anh (tăng 36%), Ba Vì (tăng 33%), Quốc Oai (tăng 32%)... Tháng 4-2021, dịch Covid-19 tái bùng phát, giãn cách xã hội đã khiến thị trường rơi vào cảnh trầm lắng kéo dài. Không chỉ nhà đầu tư mà người dân cũng có tâm lý giữ tiền. Sau giãn cách xã hội, nhu cầu tìm kiếm bất động sản đã phục hồi trở lại. 

Không chỉ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường bất động sản còn gặp khó khăn do nguồn cung hạn chế. Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) Nguyễn Văn Đính cho biết, nguồn cung trên thị trường đã có sự sụt giảm từ những năm trước do vướng mắc về cơ chế, chính sách. Trong năm 2021, dịch Covid-19 càng khiến nguồn cung khan hiếm trầm trọng. Theo thống kê của VARS, nếu quý III-2020, cả nước ghi nhận tổng nguồn cung 79.933 sản phẩm được đưa ra thị trường, thì quý III-2021 chỉ ở mức 35.852 sản phẩm, giảm hơn 55%. Tại thành phố Hồ Chí Minh, căn hộ bình dân hoàn toàn biến mất khỏi thị trường từ quý I-2019.

Đáng nói là, dù trải qua 2 năm dịch bệnh phức tạp nhưng thị trường bất động sản Việt Nam vẫn ghi nhận những chỉ dấu tích cực. Đó là mối quan tâm của người tìm kiếm bất động sản liên tục tăng mạnh và tỷ lệ hấp thụ của thị trường đạt mức rất cao. Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam (Tập đoàn Môi giới và Tư vấn đầu tư bất động sản CBRE) Dương Thùy Dung dẫn chứng, tại Hà Nội, tỷ lệ bán trung bình của các dự án mới ra mắt vào năm 2019 và năm 2020 chỉ đạt lần lượt là 41% và 42% thì đến quý III-2021, tỷ lệ này đạt 52%.  

Nhà ở xã hội Rosa Garden tại Khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh (huyện Mê Linh).

Dự báo thị trường năm 2022

Về triển vọng của thị trường bất động sản, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực phân tích, năm 2021, nguồn vốn đổ vào bất động sản vẫn khả quan. Trong đó, nguồn vốn tín dụng trong quý III-2021 tăng khoảng 6% so với cuối năm 2020; tổng dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 2 triệu tỷ đồng. Trong 11 tháng năm 2021, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới vào bất động sản đạt gần 2 tỷ USD (chiếm khoảng 11%)… Cùng với việc nước ta đang đẩy mạnh đầu tư công, hàng loạt dự án hạ tầng quy mô được triển khai sẽ tạo động lực giúp thị trường bất động sản tăng trưởng mạnh trong năm 2022.

Về nguồn cung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam Dương Thùy Dung nhận định, nguồn cung thị trường căn hộ năm 2022 đón nhận số lượng gấp đôi năm 2021. Nguồn cung thị trường nhà ở gắn liền với đất tăng 20-30%. Nhưng so với nhu cầu lớn trên thị trường, trong 2 năm tới vẫn có sự lệch pha về cung-cầu. Bên cạnh đó, chi phí đất, nhân công tăng sẽ dẫn đến tăng giá bất động sản trong thời gian tới.

Tổng Giám đốc Savills Việt Nam (Tập đoàn Cung cấp dịch vụ bất động sản Savills) Neil MacGregor cũng cho rằng, nhà ở, nhất là các khu đô thị sẽ phát triển mạnh nhờ lực cầu vẫn rất lớn. Bên cạnh đó, việc Việt Nam đang tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do giúp bất động sản công nghiệp và logistics tăng trưởng mạnh trong năm tới. Chủ tịch VARS Nguyễn Văn Đính cho rằng, nhu cầu mua đất nền làm tài sản vẫn được ưa chuộng và tiếp tục là phân khúc được lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư.

Cho rằng đại dịch Covid-19 vẫn là một rủi ro phải tính đến, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Trần Kim Chung đưa ra 3 kịch bản cho thị trường bất động sản năm 2022. Theo hướng tích cực, thị trường bất động sản năm 2022 và giai đoạn 2022-2025 sẽ bước vào chu kỳ phát triển mới, với giả định kinh tế phục hồi, một số cơ chế, chính sách được tháo gỡ… Với kịch bản tiêu cực, thị trường bất động sản sẽ có những diễn biến khó khăn khi dịch Covid-19 vẫn phức tạp và nền kinh tế phục hồi không như mong muốn; các chính sách về đất đai, bất động sản không có chuyển biến tích cực. Còn kịch bản trung tính phụ thuộc ở nhiều hay ít các điều kiện tác động xảy đến. Tuy nhiên, ông Trần Kim Chung cho rằng, trong bối cảnh và xu thế hiện nay, thị trường bất động sản sẽ phát triển theo hướng tích cực.

Từ góc độ quản lý, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, năm 2022, Bộ Xây dựng tiếp tục đẩy mạnh phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, đồng thời tăng cường quản lý, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định. Bộ cũng sẽ tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 và có chính sách tháo gỡ khó khăn để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở phân khúc thu nhập thấp và trung bình, khắc phục việc mất cân đối cơ cấu sản phẩm nhà ở.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2022: Kỳ vọng bước phát triển mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.