(HNMO) - Chiều 4-8, Bộ Xây dựng đã công bố thông tin về thị trường nhà ở, bất động sản quý II-2021. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm nay, thị trường bất động sản, lượng giao dịch, giá giao dịch các loại hình bất động sản có biến động nhưng cơ bản vẫn ổn định, không rơi vào tình trạng "đóng băng" hay "sốt nóng".
Số lượng dự án nhà ở phát triển mới giảm
Cụ thể, về số lượng các dự án phát triển nhà ở, dự án bất động sản được cấp phép, đang triển khai, đã hoàn thành trong quý II-2021, Bộ Xây dựng cho biết, trên cả nước có 69 dự án phát triển nhà ở thương mại với 27.462 căn được cấp phép (bằng 73% so với quý I-2021 và chỉ bằng khoảng 21% so với cùng kỳ năm 2020). Ngoài ra, có 1.119 dự án với 352.575 căn đang triển khai xây dựng (bằng 81% so với quý I-2021 và bằng khoảng 79% so với cùng kỳ năm 2020); 34 dự án với 2.801 căn hoàn thành (bằng khoảng 83% so với quý I-2021 và chỉ bằng khoảng 47% so với cùng kỳ năm 2020).
Đối với dự án nhà ở xã hội, theo số liệu tổng hợp từ các địa phương, trong quý II-2021, chỉ có 3 dự án với 1.766 căn được cấp phép mới tại Đà Nẵng, Thanh Hóa và Lạng Sơn; 94 dự án với 123.085 căn đang triển khai, tập trung chủ yếu tại Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Thanh Hóa; 2 dự án với 264 căn hoàn thành tại Phú Thọ, Long An.
Về số lượng dự án, căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, báo cáo của các địa phương cho thấy, có tổng cộng 92 dự án với 29.557 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai (bằng khoảng 105% so với quý I-2021 và bằng khoảng 98% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, Hà Nội có 6 dự án với 3.386 căn hộ, thành phố Hồ Chí Minh có 7 dự án với 3.002 căn hộ.
Giá và lượng giao dịch tăng
Về lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng, Bộ Xây dựng cho biết, trong quý II-2021, có 29.949 giao dịch bất động sản thành công. Tổng lượng giao dịch bình quân bằng khoảng 118% so với quý I-2021 và bằng khoảng 101% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng tại Hà Nội có 1.094 giao dịch thành công (bằng khoảng 20% so với quý I-2021), tại thành phố Hồ Chí Minh có 3.002 giao dịch thành công (bằng khoảng 87% so với quý I-2021). Nhìn chung, các giao dịch thành công vẫn tập trung nhiều ở phân khúc trung cấp và cao cấp.
Về giá nhà ở, giá giao dịch tại hầu hết các địa phương có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, với căn hộ chung cư, giá giao dịch bình quân, đặc biệt tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tăng 5-7% so với quý I-2021. Đối với nhà ở riêng lẻ, giá giao dịch trong các dự án tại nhiều địa phương vẫn tăng nhưng không nhiều, bình quân khoảng 3% so với quý I-2021. Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương là những địa phương có mức giá bình quân tăng cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước.
Về đất nền, theo Bộ Xây dựng, hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ đã được kiểm soát sau khi Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường có các văn bản chỉ đạo để chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo, cảnh báo cũng như công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn. Lượng giao dịch đất nền có xu hướng giảm so với quý I-2021.
Đánh giá chung về thị trường, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Bùi Xuân Dũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, mặc dù có nhiều khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thị trường bất động sản vẫn cơ bản ổn định, không rơi vào tình trạng "đóng băng" hay "sốt nóng". Hiện tượng tăng giá cục bộ đất nền tại các địa phương đã kịp thời được kiểm soát. Các hoạt động kinh doanh bất động sản, môi giới bất động sản thiếu tính pháp lý, gây nhiễu loạn thị trường đã kịp thời được chấn chỉnh.
Đáng chú ý, mặc dù dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng và kế hoạch giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều tỉnh, thành cả nước, tạo tâm lý lo ngại thị trường bất động sản sẽ trầm lắng trong quý II-2021, tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho biết, theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản Việt Nam có dấu hiệu phục hồi, thậm chí một số phân khúc vẫn có triển vọng tăng trưởng tốt.
Các doanh nghiệp bất động sản vẫn rất tích cực bám thị trường, đẩy thanh khoản ngay cả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội thông qua nhiều hình thức, như giới thiệu và bán hàng trực tuyến. Các sàn giao dịch cũng ghi nhận về nhu cầu mua nhà ở của người dân khá tích cực, nhất là tại thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.