(HNM) - Thị trường bất động sản (BĐS) có nhiều dấu hiệu hồi phục. Lượng giao dịch tăng, giá cơ bản ổn định, lượng hàng BĐS tồn kho giảm, dòng tiền chuyển hướng từ các kênh đầu tư khác vào BĐS…
Tại hội thảo về triển vọng đầu tư vào thị trường BĐS mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận định, các diễn biến của thị trường cho thấy nhiều dấu hiệu hồi phục. Trong hai năm qua, nhất là từ đầu năm 2014, lượng giao dịch thành công liên tục tăng. Tại Hà Nội, thống kê 11 tháng có khoảng 10.000 giao dịch thông qua sàn và được báo cáo chính thức, bằng 200% so với cùng kỳ năm 2013. Tại TP Hồ Chí Minh, 11 tháng cũng có hơn 8.850 giao dịch thành công, tăng 35% cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp BĐS sau thời gian dài "án binh bất động" nay đồng loạt khởi công dự án mới, hoàn thiện và mở bán dự án cũ. Đáng chú ý, giá BĐS được giữ ổn định, không còn cảnh "sốt nóng". Tại Hà Nội, những dự án hạ tầng tốt, đã hoàn thiện không chỉ giao dịch nhanh mà giá bán còn tăng nhẹ 1-2% từng quý.
Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu khởi sắc trong những tháng cuối năm 2014. Ảnh: Nhật Nam |
Nhờ cơ cấu lại sản phẩm, giao dịch tốt, lượng hàng tồn kho BĐS giảm nhanh. Tính đến ngày 20-11, giá trị tồn kho BĐS còn 77.800 tỷ đồng, giảm gần 50.000 tỷ đồng so với quý I-2013, tương đương 40%. Trong khi đó, dòng tiền vẫn đang hướng vào BĐS, với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng gần 12%, cao gấp đôi mức tăng bình quân chung là 6%. Thậm chí, tín dụng cho BĐS còn vượt cả mức cao nhất trước đây (280.000 tỷ đồng), chưa kể dòng tiền chuyển từ các kênh đầu tư khác không còn hấp dẫn.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, thiếu sót của thị trường BĐS không phải là giá quá cao. Trong khu vực Châu Á, Việt Nam còn nằm ngoài top 20 thị trường BĐS đắt đỏ. Nói đúng hơn, vấn đề của thị trường BĐS là giá chưa phù hợp với thu nhập. Thu nhập ở Việt Nam còn thấp. Cùng với đó, nhà ở phát triển không theo quy hoạch, kế hoạch, thậm chí doanh nghiệp xin dự án trước rồi mới lập quy hoạch. Cơ cấu hàng hóa không hợp lý, phù hợp với nhu cầu thực tế, dự án nào cũng muốn cao cấp. Nguồn lực tài chính dài hạn dành cho BĐS chưa có; hầu hết doanh nghiệp vốn nhỏ phải vay ngân hàng nên nhiều lúc bấp bênh. Những thiếu sót này, Chính phủ, Bộ Xây dựng và các ngành đang từng bước tháo gỡ để thị trường hồi phục nhưng phải bền vững, không xảy ra "sốt" như thời gian qua.
Một thông tin được đánh giá có tác động tích cực đến thị trường BĐS là việc Quốc hội thông qua dự luật cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở trong nước. Cụ thể, từ ngày Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực (1-7-2015), nhiều ràng buộc đối với người nước ngoài sẽ được điều chỉnh như, đối tượng mở rộng hơn, được sở hữu các loại hình nhà ở thay vì chỉ có chung cư trước đây; không giới hạn số lượng nhà có thể mua; được phép cho thuê lại, mua bán, cho tặng, thừa kế, thế chấp thay vì chỉ được sử dụng mục đích ở như trước đây…
Công ty quản lý, tư vấn BĐS Savills Việt Nam nhận định, dự luật này tác động tích cực đến các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường BĐS Việt Nam. Việc nới lỏng điều kiện và cấp quyền sở hữu hợp pháp như người trong nước sẽ mở cửa cho một số lượng người mua nhà mới, tăng thêm tính thanh khoản cho thị trường; đồng thời thu hút một kênh vốn mới nhiều tiềm năng. Năm 2013, lượng kiều hối tăng 10%, với tổng mức đạt 11 tỷ USD, với chính sách mới lượng kiều hối này có thể yên tâm rót vào thị trường BĐS.
Điều quan trọng hơn, thị trường BĐS, tài chính, ngân hàng tăng tính cạnh tranh trong khu vực, trở thành thị trường hấp dẫn nhiều tiềm năng. CBRE - một đơn vị quản lý, tư vấn BĐS khác cũng bình luận, việc nới lỏng điều kiện sở hữu nhà cho người nước ngoài đánh dấu bước đi quan trọng trong việc mở cửa thị trường BĐS cho các nhà đầu tư nước ngoài. Không chỉ xóa bỏ rào cản, quy định mới còn tạo ra sự công bằng giữa người nước ngoài và công dân Việt Nam, tạo nên sự hấp dẫn hơn cho thị trường. Tuy chưa tác động ngay lập tức nhưng sẽ giúp thị trường cải thiện theo hướng tích cực.
Ngoài dự luật trên, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành thông tư bổ sung hướng dẫn, cho phép tăng thời hạn và mở rộng đối tượng được hưởng hỗ trợ từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Theo đó, ngoài dự án nhà xã hội, mua nhà thương mại giá rẻ hay sửa chữa, xây nhà cũng được vay từ nguồn này. Như vậy, thị trường BĐS liên tiếp đón nhận những tín hiệu tích cực trong tháng cuối của năm 2014.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.