(HNMO) - Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Thị trường đã có phản ứng tích cực, niềm tin của nhà đầu tư được phục hồi, lượng tìm kiếm và giao dịch bất động sản đã tăng dần, đặc biệt vào thời điểm cuối quý I-2023. Tuy nhiên, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ.
Nguồn cung tiếp tục hạn chế
Theo Bộ Xây dựng, qua số liệu tổng hợp của các địa phương, nguồn cung về nhà ở thương mại trong quý I-2023 vẫn còn hạn chế và có xu hướng giảm so với quý IV-2022. 17 dự án được cấp phép mới so với 22 dự án của quý IV-2022 và 39 dự án của quý I-2022. Số lượng dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai là 52 so với 59 dự án của quý IV-2022 và 56 dự án của quý I-2022. Số lượng dự án hoàn thành trong quý I là 14 so với 28 dự án của quý IV-2022 và 22 dự án của quý I-2022.
Đối với dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân, trong quý I, cả nước chỉ có 1 dự án quy mô 300 căn hộ được cấp phép mới. 5 dự án với quy mô 1.908 căn đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai; 4 dự án với quy mô 934 căn hộ hoàn thành xây dựng.
Về lượng giao dịch, trong quý I-2023, có 106.401 giao dịch thành công, trong đó có 39.133 giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ; 67.268 giao dịch đất nền. So với quý IV-2022, lượng giao dịch thành công chỉ đạt 65,06% và so với cùng kỳ năm 2022 bằng 61,2%.
Theo Bộ Xây dựng, lượng giao dịch giảm chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền (lượng giao dịch đối với đất nền chỉ đạt 45,09% so với quý IV-2022 và 43,81% so với quý I-2022). Trong khi lượng giao dịch nhà ở chung cư và nhà ở riêng lẻ tăng 272,72% so với quý IV-2022 và 192,54% so với quý I-2022.
Mặc dù thị trường có nhiều biến động nhưng căn hộ chung cư vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của đối tượng có nhu cầu ở thực và các nhà đầu tư trung, dài hạn. Số lượng dự án căn hộ chung cư mở bán mới trong quý I-2023 không nhiều, chủ yếu vẫn đến từ phân khúc trung, cao cấp. Lượng tìm kiếm và mua bán căn hộ chung cư tăng mạnh kể từ nửa cuối quý I-2023.
Tại Hà Nội, một số dự án có mức tăng giá nổi bật như: Vinhomes Metropolis (Ba Đình) tăng khoảng 3,5% (lên mức 99,1 triệu đồng/m2), Lạc Hồng Westlake (Tây Hồ) tăng khoảng 3,6% (lên mức 36,1 triệu đồng/m2), Mandarin Garden 2 (Hoàng Mai) tăng khoảng 4,1% (lên mức 43,9 triệu đồng/m2).
Một số dự án có mức độ biến động giảm giá trong quý nổi bật như: Home City (Cầu Giấy) giảm khoảng 5,6% (xuống mức 44,6 triệu đồng/m2), South Tower (Hoàng Mai) giảm khoảng 6,1% (xuống mức 26,2 triệu đồng/m2), Eco Dream (Thanh Trì) giảm khoảng 5,3% (xuống mức 34,1 triệu đồng/m2).
Thị trường vẫn còn khó khăn
Theo Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải, nhìn chung, thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu tích cực. Một số dự án được tiếp tục triển khai sau một thời gian phải tạm dừng. Lượng tìm kiếm và giao dịch bất động sản đã tăng dần. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ.
Nguyên nhân chính là liên quan đến pháp luật về đất đai. Nhiều dự án triển khai chậm do quy định về phương pháp định giá đất. Nhiều trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện. Tiếp đó là nguyên nhân liên quan đến pháp luật về quy hoạch. Một số dự án có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên. Cuối cùng là nguyên nhân liên quan đến pháp luật về đầu tư, điều chỉnh tiến độ dự án…
Để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Bộ Xây dựng kiến nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp về hoàn thiện thể chế; thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; vốn tín dụng; vốn trái phiếu doanh nghiệp; tổ chức thực hiện tại địa phương.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, tháo gỡ từng vấn đề của doanh nghiệp. Bộ Xây dựng chủ trì xác định điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, đồng thời, làm cơ sở để các địa phương xác định, công bố các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ công khai, minh bạch, đúng quy định.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại căn cứ vào danh mục dự án, đối tượng, điều kiện tiêu chí được thụ hưởng Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng để áp dụng điều kiện cho vay và lập quỹ dự phòng rủi ro, không đánh đồng giữa các doanh nghiệp; kiểm tra, đôn đốc các tổ chức tín dụng hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.