(HNM) - Nhờ những ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết, Tết năm nay, mặt hàng bánh kẹo ngoại nhập đang cạnh tranh trực tiếp với bánh kẹo nội về chất lượng, mẫu mã và giá thành.
Ghi nhận trên thị trường cho thấy, bên cạnh các sản phẩm bánh kẹo do doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất, mùa Tết năm nay, từ các siêu thị lớn đến các website bán hàng qua mạng cũng giới thiệu, bán đủ loại bánh kẹo nhập khẩu từ Nga, Đức, Mỹ, Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ… với mức giá 100.000-500.000 đồng/hộp. Không chỉ sở hữu mẫu mã bắt mắt, sản phẩm bánh kẹo nước ngoài còn khá đa dạng về khẩu vị, tạo cảm giác mới mẻ, hứng thú cho người mua và được siêu thị, cửa hàng bán lẻ trưng bày ở những vị trí tốt để khách hàng dễ quan sát, lựa chọn. Riêng hàng Trung Quốc một thời lấn át thị trường nay đã bị người tiêu dùng quay lưng do lo ngại về sự an toàn và chất lượng của sản phẩm. Ngay cả tiểu thương từ các tỉnh về Hà Nội lấy hàng kinh doanh phục vụ Tết cũng ít tìm mua mặt hàng này do người tiêu dùng khu vực nông thôn không còn chuộng loại bánh kẹo không nhãn mác như trước đây.
Khách hàng chọn mua bánh kẹo tại siêu thị Big C. Ảnh: Anh Tuấn |
Ngoài những ưu đãi về thuế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, một trong những lý do khiến mùa Tết năm nay thị trường tràn ngập bánh kẹo nước ngoài là do cách đây không lâu, Công ty CP Kinh Đô đã bán 80% cổ phần cho Tập đoàn Mondelez của Mỹ. Trước đó, Công ty Bánh kẹo Lotte thuộc Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc cũng đã nắm giữ 44% cổ phần từ Công ty Bánh kẹo Bibica. Bên cạnh đó, hàng loạt siêu thị nội được chuyển nhượng cho các tập đoàn bán lẻ hùng mạnh của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Vì vậy, các loại bánh kẹo ngoại cũng đổ bộ dồn dập vào Việt Nam.
Chị Thu Hà (phố Hàng Trống, Hà Nội) đã mua bánh kẹo tại siêu thị Intimex Bờ Hồ cho biết, thường chọn mặt hàng có mẫu mã đẹp, vừa túi tiền chứ không quan trọng là nguồn gốc xuất xứ. Nhưng, nếu hàng nội và ngoại giá tương đương thì sẽ chọn bánh ngoại, vì hình thức trông sang trọng hơn, chất lượng cũng ngon hơn.
Thực tế cho thấy, việc bánh kẹo ngoại tràn vào thị trường trong nước vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các DN "nội" cải thiện hình ảnh thương hiệu một cách bài bản, chú trọng đầu tư chiều sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm. Vài năm trở lại đây, nhận thức rõ việc không thể tránh khỏi sức ép cạnh tranh từ các sản phẩm bánh kẹo nhập khẩu, các thương hiệu bánh kẹo truyền thống như Hải Hà, Bibica, Hữu Nghị, Kinh Đô… đã mạnh dạn đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu; đồng thời áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO, HACCP vào quá trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Dù không tiết lộ về sản lượng đưa ra thị trường năm nay, đại diện hãng Kinh Đô cho biết, DN đã đưa ra thị trường những sản phẩm đặc biệt với bao bì thiết kế dành riêng cho mùa Tết. Trước những lo ngại về chất lượng sản phẩm, Kinh Đô luôn chú trọng đến tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm trong từng sản phẩm. Toàn bộ quy trình sản xuất đều tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm. Nguyên liệu "đầu vào" được chọn lựa kỹ và trải qua khâu kiểm nghiệm khắt khe. Để phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân dịp tết Nguyên đán 2016, Kinh Đô đã tăng đầu tư vào các kênh phân phối, phát triển các điểm bán hàng từ thành thị đến nông thôn để người dân ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước đều có thể lựa chọn những sản phẩm bảo đảm chất lượng. Trong khi đó, Bibica đưa ra thị trường 1.600 tấn bánh kẹo các loại, tăng gấp 2-3 lần các sản phẩm bánh chủ lực Goody và Lạc Việt...
Đồng hành cùng sự nỗ lực của các DN nội, nhiều siêu thị đã ưu tiên hàng sản xuất trong nước dùng để gói giỏ quà Tết. Tại các siêu thị như Hapro, Fivimart, Big C, Co.opmart… phần lớn giỏ quà Tết được lựa chọn từ sản phẩm của các DN Việt, với giá dao động từ 150.000 đồng đến 2,5 triệu đồng/giỏ, phù hợp với nhu cầu đa dạng của thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.