Giáo dục

Thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo hướng ổn định, thuận lợi

Thống Nhất 20/09/2023 - 12:34

Phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 được giữ ổn định như trong giai đoạn 2020-2023.

thi-1(1).jpg

Ngày 20-9, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ kỳ thi năm 2024. Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, phương án thi tốt nghiệp năm 2024 được giữ ổn định và tạo thuận lợi nhiều hơn cho thí sinh.

Chia sẻ kinh nghiệm khắc phục bất cập

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 có 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi, tỷ lệ thí sinh dự thi chiếm 98,86%. Tỷ lệ tốt nghiệp trên toàn quốc đạt 98,88%. Có 41 thí sinh vi phạm quy chế, bị đình chỉ thi.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, qua phân tích phổ điểm, đề thi bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, có sự phân hoá phù hợp, kết quả thi phản ánh khách quan kết quả học tập của thí sinh và chất lượng dạy học ở các địa phương theo vùng miền.

Đây là năm đầu tiên sau nhiều năm Bộ công bố kết quả thi vào ban ngày (8h sáng), thay vì vào buổi tối như các năm trước, được dư luận xã hội ủng hộ. Đây cũng là năm việc ứng dụng công nghệ thông tin được tăng cường, thí sinh đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến, tạo thuận lợi nhiều hơn cho thí sinh.

Theo ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2023, dù số lượng thí sinh vi phạm quy chế thi đã giảm so với năm 2022, song vẫn còn là một hạn chế cần khắc phục. Bên cạnh đó, còn một số giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình coi thi; một số sở giáo dục và đào tạo chưa chủ động xử lý công việc thuộc phạm vi, thẩm quyền…

Thống nhất và quyết tâm khắc phục những hạn chế, bất cập của kỳ thi năm 2023, tại hội nghị, đại diện các sở giáo dục và đào tạo đã chia sẻ kinh nghiệm qua thực tế tổ chức kỳ thi năm 2023, từ đó có những đề xuất về kỳ thi năm 2024.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho biết, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kỳ thi đã tạo thuận lợi cho địa phương, nhà trường và thí sinh. Việc kiểm tra, giám sát các khâu của kỳ thi rất quan trọng, nhất là với địa phương có số lượng thí sinh lớn. Theo đó, 100% điểm thi ở Hà Nội đều được rà soát, kiểm tra kỹ ở khâu chuẩn bị, là cơ sở để kỳ thi diễn ra an toàn, kiểm soát tốt các tình huống phát sinh. Bên cạnh đó, việc lựa chọn kỹ cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ, việc tập huấn quy chế thi cho toàn bộ số này và tất cả thí sinh dự thi là khâu rất quan trọng để nâng cao ý thức chấp hành quy chế thi của mọi thành viên. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 vào cuối tháng 6; sớm công bố kế hoạch kỳ thi này và tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện phần mềm, giúp thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến thuận lợi hơn.

Còn đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn kỹ cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra tại địa phương; cho phép các tỉnh liên kết trong việc in sao đề thi. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang cũng đề nghị Bộ quan tâm điều chỉnh nội dung, cách thức truyền thông về kỳ thi, bởi sau kỳ thi, một số cơ quan báo chí tự xếp hạng kết quả kỳ thi của các địa phương (bảng xếp hạng này không phải do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố) khiến địa phương áp lực…

Phương án thi các năm tiếp theo như thế nào?

Thông tin về phương án tổ chức kỳ thi các năm tiếp theo, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 dự kiến tổ chức thi theo môn, gồm 11 môn là: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hoá học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Trong số này, có một số môn bắt buộc và một số môn tự chọn. Môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Nội dung thi bám sát mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chủ yếu là chương trình lớp 12 nhằm tạo thuận lợi nhất cho thí sinh. Phương án thi cụ thể sẽ được công bố vào quý IV năm nay.

thi-1.jpg

Trước mắt, kỳ thi năm 2024 được giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023 về hình thức tổ chức, mô hình. Phương thức xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh vẫn là kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, kỳ thi này sẽ có một vài điều chỉnh về mặt kỹ thuật để khắc phục các hạn chế, bất cập của kỳ thi năm 2023, trong đó có việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để ngăn chặn gian lận, đồng thời tiếp tục nâng cao sự tự chủ của địa phương trong việc tổ chức kỳ thi.

Điểm lại những ưu điểm của kỳ thi năm 2023 và cho rằng, đây là tiền đề thuận lợi để tổ chức kỳ thi năm 2024, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng thông tin: Kỳ thi năm 2024 tinh thần là giữ ổn định như năm 2023 và tiếp tục tạo thêm nhiều thuận lợi cho thí sinh. Đây là năm cuối cùng thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhưng không vì thế mà chủ quan. Bộ yêu cầu các địa phương tránh tâm lý chủ quan, đại khái mà phải chuẩn bị, tổ chức kỳ thi thật tốt.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu Cục quản lý chất lượng tiếp thu, nghiên cứu ý kiến các sở giáo dục và đào tạo để tham mưu lãnh đạo Bộ hoàn thiện phương án, bổ sung quy chế thi năm 2024 với tinh thần không chủ quan; nghiêm khắc xử lý các sai phạm, nếu có.

Với các sở giáo dục và đào tạo, Bộ yêu cầu tăng cường việc giáo dục học sinh thực hiện nghiêm túc quy chế thi; tuyên truyền rộng rãi về định hướng kỳ thi năm 2025 với phương châm gọn nhẹ, không gây căng thẳng, tốn kém.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo hướng ổn định, thuận lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.