Theo tìm hiểu của phóng viên tại phòng thi số 36 của một Hội đồng thi thuộc quận Đống Đa (Hà Nội) có một thí sinh nam Nguyễn Q. (số báo danh 150…) đã vắng mặt không tới dự thi được.
Đi sâu khai thác chúng tôi được biết thí sinh này đã quá căng thẳng trong quá trình ôn tập nên bị trầm cảm không đến dự thi được. Bạn bè của học sinh này cho biết khoảng hai ngày trước khi thi, học sinh này còn bị nói lảm nhảm.
Sau buổi thi, phó chủ tịch Hội đồng coi thi cũng chính là cô giáo Hiệu trưởng rất quan tâm đến học sinh này cho biết: Nguyễn Q. là một học sinh có tinh thần không vững lắm nên mới bị thế vì với kỳ thi tốt nghiệp không quá khó, thì nhiều học sinh khác đều dễ dàng vượt qua.
Đây cũng là lời cảnh báo việc phụ huynh của các học sinh khác cần lưu tâm nhắc nhở động viên con em trong quá trình ôn tập, đặc biệt là với những em có lực học yếu, thần kinh kém.
Cũng tại Hội đồng thi này, trong buổi thi môn văn sáng nay, ngày 2/6, có một thí sinh đến thi ngồi không vững vì bị sốt cao trên 39 độ. Hội đồng coi thi phải mời gia đình đến đón về đưa đi khám. Một số thí sinh học cùng lớp với nam sinh này cho biết, em đang bị quai bị và đã có biến chứng rất đáng lo ngại nên đau không ngồi được.
Theo nhà tâm lý giáo dục Ninh Hạnh Quyên, các bậc phụ huynh nên sâu sát, gắn bó và động viên con em mình hơn. Vì đây là thời điểm các học sinh đã chia tay mái trường và hoàn toàn đang cần bố mẹ và gia đình ở bên. Lời động viện và thái độ quan tâm với các em, nhất là những em quá nhạy cảm và ‘mỏng manh’ là vô cùng cần thiết. Phụ huynh cũng cần hiểu năng lực học tập cũng như tinh thần của con đến đâu để có cách động viên phù hợp.
Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông dân lập Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, cũng cho rằng, việc quan tâm sát sao việc ôn tập của học sinh, con em trong kỳ thi là cần thiết nhưng bên cạnh đó, giáo viên, phụ huynh cũng cần tránh gây căng thẳng quá, tạo sức ép tinh thần lớn cho các em./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.