Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thi đua, khen thưởng phải từ nhân dân

Thế Đan| 25/04/2022 06:31

(HNM) - Năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, dù chịu nhiều tác động do đại dịch Covid-19 nhưng qua phong trào thi đua yêu nước, toàn hệ thống chính trị đã cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Qua đó, cả nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực: Dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế phục hồi, phát triển; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục được quan tâm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe của nhân dân được bảo đảm. Niềm tin của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, của bạn bè, đối tác quốc tế được tăng cường và củng cố, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội.

Đặc biệt, việc thi đua đi kèm với công tác khen thưởng đã ngày càng thực chất, hướng về những người trực tiếp lao động, sản xuất, bám sát cơ sở và có những hành động nghĩa hiệp. Mới đây, việc lãnh đạo Đảng, Nhà nước kịp thời biểu dương, khen thưởng cho Đại úy Thái Ngô Hiếu (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Đồng Nai), đã dũng cảm cứu 4 người khỏi đuối nước tại bãi biển ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 10-4-2022; khen thưởng anh Nguyễn Đức Chính (trú tại thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định), đã dũng cảm cứu người bị nạn trên sông Ninh Cơ ngày 9-4-2022, cho thấy những hình ảnh cao đẹp luôn được trân trọng và lan tỏa trong cuộc sống.

Hay như danh sách khen thưởng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của UBND thành phố Hà Nội vừa qua cho thấy, phần đông những cá nhân được biểu dương đều là cán bộ, người lao động trực tiếp ở cơ sở. Đó là các cán bộ đoàn thể ở địa bàn dân cư đã sáng tạo, đi đầu thực hiện những mô hình tiêu biểu, hiệu quả như: “Vùng xanh an toàn” (quận Hoàng Mai), “Phát phiếu đi chợ” (quận Tây Hồ), mô hình chống dịch “3 lớp” (huyện Đông Anh)… Những cách làm đó đã góp phần khống chế, kiểm soát dịch bệnh, thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”, được Trung ương và thành phố đánh giá cao.

Kinh nghiệm vừa qua cho thấy, tình hình càng khó khăn, thách thức càng phải thúc đẩy thi đua yêu nước.

Thời gian còn lại của năm 2022 sẽ vẫn có những khó khăn, nhất là nguy cơ từ dịch Covid-19 nếu công tác phòng, chống dịch bệnh lơ là, chủ quan; tình hình thế giới tiếp tục có nhiều bất ổn có thể tác động xấu đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Do đó, tại phiên họp thứ hai của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng yêu cầu, công tác thi đua, khen thưởng phải cố gắng hơn, nỗ lực hơn, sáng tạo hơn, thiết thực hơn, đi đúng trọng tâm, trong điểm, phục vụ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, của cấp ủy các cấp.

“Phải tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả, tránh bệnh hình thức, là phong trào của nhân dân, người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, phong trào phải xuất phát từ nhân dân, bắt đầu từ nhân dân, đi sâu vào nhân dân, mang lại lợi ích cho nhân dân, cho đất nước, người dân có đời sống ngày càng ấm no, hạnh phúc”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thực hiện yêu cầu này, các cấp, các ngành phải bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và thực tiễn để chủ động, sáng tạo tổ chức triển khai các phong trào thi đua. Phát động phong trào thi đua thiết thực, phù hợp tình hình, yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra, có trọng tâm trọng điểm, hướng về cơ sở, huy động được sự tham gia của đông đảo nhân dân, người lao động. Trong đó tập trung vào 4 phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ phát động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”…

Đi kèm với công tác thi đua, cần kịp thời tổng kết, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến; đồng thời tập trung rà soát, khắc phục những hạn chế, bất cập trong khen thưởng; dứt khoát chống tiêu cực, “chạy chọt” trong thi đua, khen thưởng. Công tác bình xét thi đua phải đúng quy trình, công khai, minh bạch, tránh “vừa khen thưởng xong lại xem xét kỷ luật”. Đặc biệt là phải chú trọng khen thưởng nhân dân, người lao động trực tiếp; đây là những tấm gương có sức lan tỏa lớn trong xã hội.

Cùng với đó là đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng. Đó là động viên khích lệ các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ thực hiện ngày một tốt hơn những công việc thường xuyên hằng ngày, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng cấp, từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thấm nhuần tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Càng khó khăn càng phải thi đua”, “Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hằng ngày”, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới các phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng, tạo thành động lực to lớn, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thi đua, khen thưởng phải từ nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.