Giao thông

Thí điểm xây dựng cổng trường an toàn: Thêm giải pháp bảo vệ học sinh

Tuấn Lương 13/11/2023 - 06:48

Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đang phối hợp với các tổ chức quốc tế nghiên cứu thí điểm giải pháp bảo đảm an toàn giao thông tại một số cổng trường học.

Với nguyên tắc thiết kế đường phố theo hướng ưu tiên cho việc đi bộ và đi xe đạp của học sinh, thu hẹp làn di chuyển của phương tiện cơ giới... mô hình được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông để cổng trường thực sự là nơi an toàn đối với học sinh trước và sau mỗi giờ học...

cong-truong.jpg
Mô hình “Cổng trường an toàn văn minh” tại Trường Trung học cơ sở Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Ảnh: Thanh Hòa

Hơn 150 cổng trường mất an toàn

Theo thống kê, thành phố Hà Nội có tổng cộng 152 vị trí cổng trường học có tình trạng ùn tắc giao thông và nguy cơ mất an toàn giao thông, trong đó khu vực nội thành có 108 vị trí, ngoại thành 44 vị trí. Trước thực tế này, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đề xuất các giải pháp xử lý bao gồm: Bổ sung hệ thống báo hiệu đường bộ ở 51 vị trí, cải tạo hạ tầng giao thông tại 53 vị trí, huy động lực lượng hướng dẫn giao thông trong giờ cao điểm học sinh đến và tan trường ở 48 vị trí…

Phó Trưởng phòng Kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) Nguyễn Đức Toàn cho biết, Sở đang phối hợp cùng các tổ chức quốc tế nghiên cứu thí điểm mô hình bảo đảm an toàn giao thông tại 3 khu vực trường học, gồm: Cụm Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm); Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông); cụm Trường Mầm non Sài Sơn B, Tiểu học Sài Sơn A, Trung học cơ sở Sài Sơn (huyện Quốc Oai). Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án sáng kiến Bloomberg Philanthropies vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu (BIGRS) - giai đoạn 2021-2025, do Quỹ Bloomberg tài trợ.

“Các trường được quy hoạch đều nằm trên tuyến đường trục chính. Cổng trường trong khu vực nội thành thường có mật độ giao thông cao, trong khi trường ở ngoại thành hay có xe tải lưu thông. Điểm chung của khu vực các cổng trường được lựa chọn thí điểm là thường xuyên ùn tắc vào giờ học sinh tan trường, thiếu khu vực dừng đỗ xe; chưa hình thành đường dành riêng cho xe đạp, xe máy; thiếu đường cho người đi bộ (hè phố bị chiếm dụng để kinh doanh, đỗ xe, lối đi bộ chưa an toàn); tốc độ phương tiện di chuyển qua khu vực trường học cao, gây nguy cơ mất an toàn khi học sinh tan trường…”, ông Nguyễn Đức Toàn cho biết.

Chị Nguyễn Thùy Trang, có con đang học tiểu học tại quận Hà Đông chia sẻ: “Điều kiện hạ tầng hạn chế, các phương tiện đang phải lưu thông hỗn hợp trong khi không ít vỉa hè tại khu vực cổng trường nhỏ hẹp, thậm chí bị lấn chiếm để kinh doanh, buôn bán nên việc đưa, đón con tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. An toàn giao thông cho học sinh đến trường là điều mà tất cả cùng mong muốn”.

Ưu tiên cho học sinh di chuyển an toàn

Đề cập đến các giải pháp mà dự án thí điểm đang nghiên cứu triển khai, ông Nguyễn Đức Toàn và các chuyên gia đến từ Dự án BIGRS cho hay, nguyên tắc chung của thiết kế đường phố và khu vực trường học an toàn là ưu tiên cho đối tượng yếu thế, chú trọng sự di chuyển của con người hơn phương tiện; ưu tiên việc đi bộ và đi xe đạp an toàn của học sinh hơn việc di chuyển nhanh của các phương tiện cơ giới.

Về giải pháp hạ tầng, dự án sẽ nghiên cứu làm lối đi bộ cho học sinh sang đường được thuận tiện; tăng khả năng nhận diện của người tham gia giao thông; thu hẹp làn di chuyển nhằm giảm vận tốc của các phương tiện khi đi qua khu vực trường học; mở rộng vỉa hè, tạo lối đi bộ rộng, thông thoáng, hấp dẫn cho học sinh. Cùng với đó là tổ chức lại các vị trí đỗ xe của phụ huynh, tạo không gian phù hợp cho việc chờ đón học sinh có trật tự và khoa học; tạo đảo giao thông kết hợp điểm trú chân cho người đi bộ sang đường; bố trí làn đường dành cho học sinh đi xe đạp qua nút giao... Ngoài thí điểm các giải pháp về hạ tầng, dự án sẽ tuyên truyền, vận động phụ huynh và học sinh cùng phối hợp thực hiện cổng trường an toàn, trật tự…

Với mỗi trường thuộc phạm vi thí điểm của dự án lại có những giải pháp kỹ thuật đặc thù, tùy theo điều kiện hạ tầng khu vực. Ví dụ như với cụm trường Xuân Đỉnh, dự án đề xuất làm lối đi bộ nổi, gờ giảm tốc, lắp đặt cọc tiêu ngăn để tạo không gian an toàn cho người đi bộ. Với Trường Tiểu học Nguyễn Du, ngoài làm lối đi bộ nổi, cụm gờ giảm tốc, sẽ bố trí khu vực để xe máy đưa đón học sinh phân theo khung giờ cao điểm (7h-8h và 16-17h). Các khu vực này cấm đỗ ô tô. Còn với cụm trường Sài Sơn, nơi có nhiều xe tải lưu thông, dự án sẽ nghiên cứu bố trí các đảo trú chân cho người đi bộ; mở rộng vỉa hè, rút ngắn khoảng cách sang đường; kẻ vạch cho người đi bộ; bố trí gờ giảm tốc…

Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du Nguyễn Thanh Vân cho biết: “Trường hiện có khoảng hơn 2.300 học sinh. Chúng tôi đã bố trí lực lượng bảo vệ phối hợp với dân phòng và Công an phường Văn Quán (quận Hà Đông) để bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho học sinh. Vấn đề ùn tắc gây mất trật tự an toàn giao thông tại khu vực cổng trường sẽ không thể giải quyết triệt để nếu thiếu sự phối hợp từ người dân, các bậc phụ huynh. Do đó, nhà trường rất mong dự án thí điểm sớm được triển khai”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thí điểm xây dựng cổng trường an toàn: Thêm giải pháp bảo vệ học sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.