Góc nhìn

Để cổng trường an toàn

Hà Trang 09/11/2023 - 05:57

Có một thực tế đáng lo ngại là mặc dù được tuyên truyền nhiều và việc xử lý vi phạm cũng được các địa phương thực hiện quyết liệt, nhưng hiện tượng học sinh tham gia giao thông bằng xe máy điện, xe máy không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ, gây rối trật tự công cộng, đặc biệt là điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe… vẫn diễn ra khá phổ biến, làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông.

Số liệu thống kê cho thấy, lỗi vi phạm học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chiếm 47,59% và hệ quả là tai nạn giao thông liên quan đến hành vi điều khiển xe trên 50 phân khối chiếm 71,31%. Tai nạn giao thông xảy ra với lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh là do các em thiếu kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, không có kỹ năng điều khiển và xử lý tình huống kịp thời.

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa vẫn do sự quản lý lỏng lẻo và thiếu trách nhiệm của không ít các bậc phụ huynh khi tự tay giao cho con em những phương tiện mà các em chưa thể điều khiển một cách an toàn. Việc phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội để quản lý, giáo dục học sinh chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông còn chưa hiệu quả. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn chung chung, hình thức, chưa thực sự tác động sâu sắc đến đối tượng đặc thù là học sinh…

Nhằm chấn chỉnh những bất cập nêu trên, vừa qua tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề về bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung phân tích, tìm ra nguyên nhân, xác định giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông nói chung, tai nạn đối với học sinh nói riêng.

Để giảm tai nạn giao thông cho học sinh, xây dựng những cổng trường thân thiện, an toàn, trong thời gian tới cần có sự quyết tâm cao hơn, trách nhiệm lớn hơn của các địa phương trong kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, xem xét đưa nội dung bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh trở thành một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các trường, địa phương; gắn việc triển khai các mô hình với kiểm tra, giám sát để tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong công tác bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh.

Bên cạnh đó, các bộ ngành cũng cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hệ thống quy định đặc thù về phương tiện đưa đón học sinh, trong đó học tập thêm kinh nghiệm của nước ngoài, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích hoạt động kinh doanh vận tải đưa đón học sinh; tăng hình phạt có tính đến yếu tố vùng miền. Cần có những nội dung tuyên truyền mang tính thuyết phục để dần hình thành nên ý thức, văn hóa cho mọi người khi tham gia giao thông. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông qua các ứng dụng mạng xã hội để các em học sinh dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện; tập trung trang bị kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông.

Tiếp tục nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn” là một trong những mục tiêu trọng điểm thuộc chương trình phối hợp giữa Bộ Công an với Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2020-2025. Mô hình được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, sớm hình thành ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Cách làm này cần được thực hiện thường xuyên, bài bản và thực chất...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để cổng trường an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.