Cùng với thực hiện thí điểm các giải pháp về hạ tầng, dự án sẽ tuyên truyền về các giải pháp thí điểm, vận động phụ huynh và học sinh cùng phối hợp thực hiện khu vực cổng trường an toàn, trật tự...
Sáng 19-10, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức hội nghị thông tin về tình hình thực hiện giải pháp thí điểm bảo đảm an toàn giao thông khu vực trước cổng một số trường học trên địa bàn Hà Nội. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án sáng kiến Bloomberg Philanthropies vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu (BIGRS) - giai đoạn 2021-2025 do Quỹ Bloomberg tài trợ.
Ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Trưởng phòng Kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết, dự án hỗ trợ 4 hợp phần chính gồm: Hạ tầng giao thông; cưỡng chế vi phạm trật tự, an toàn giao thông; tuyên truyền và truyền thông về an toàn giao thông; dữ liệu và giám sát.
Năm 2023, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chủ trì, phối hợp với tư vấn của dự án và các đơn vị liên quan rà soát lựa chọn thực hiện triển khai tại 3 địa điểm có những điều kiện giao thông và hạ tầng khác nhau, gồm: Cụm trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm); Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông); Cụm trường Mầm non Sài Sơn B, Tiểu học Sài Sơn A, Trung học cơ sở Sài Sơn (huyện Quốc Oai).
Trong đó, Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông) và Cụm trường Mầm non Sài Sơn B, Tiểu học Sài Sơn A, Trung học cơ sở Sài Sơn (huyện Quốc Oai) được thực hiện thí điểm các giải pháp cải thiện an toàn giao thông dưới sự hỗ trợ của Chương trình hợp tác vì các thành phố lành mạnh - PHC (PHC là mạng lưới toàn cầu có uy tín với 70 thành phố cam kết cứu sống các sinh mạng bằng cách ngăn ngừa các bệnh không lây nhiễm và thương tích) trong khuôn khổ dự án BIGRS.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Toàn và các chuyên gia đến từ dự án BIGRS, nguyên tắc của thiết kế đường phố an toàn nói chung và cho khu vực trường học nói riêng là ưu tiên cho đối tượng yếu thế, ưu tiên sự di chuyển của con người hơn phương tiện; ưu tiên việc đi bộ và đi xe đạp an toàn của học sinh hơn việc di chuyển nhanh của các phương tiện cơ giới.
Về giải pháp hạ tầng, sẽ nghiên cứu làm lối đi bộ nổi cho học sinh sang đường được thuận tiện, an toàn tại khu vực cổng trường học; tăng khả năng nhận diện của người tham gia giao thông với các lối đi bộ sang đường bằng sơn kẻ vạch màu trắng, nền vàng, tăng nhận diện khu vực trường học bằng biển báo, sơn kẻ vạch. Thu hẹp làn di chuyển của các phương tiện cơ giới nhằm giảm vận tốc của các phương tiện khi đi qua khu vực trường học; mở rộng vỉa hè, tạo lối đi bộ rộng, thông thoáng, hấp dẫn cho học sinh.
Cùng với đó là tổ chức lại các vị trí đỗ xe của phụ huynh trước khu vực cổng trường học, tạo không gian phù hợp cho phụ huynh chờ đón học sinh có trật tự và khoa học, tránh sự lộn xộn trong giờ đưa đón học sinh ở trước cổng trường; tạo đảo giao thông kết hợp điểm trú chân cho người đi bộ sang đường; bố trí làn đường dành cho học sinh đi xe đạp qua nút giao bảo đảm an toàn giao thông; hạn chế tốc độ các phương tiện qua khu vực cổng trường…
Ngoài thực hiện thí điểm các giải pháp về hạ tầng, dự án sẽ tuyên truyền về các giải pháp thí điểm, vận động phụ huynh và học sinh cùng phối hợp thực hiện khu vực cổng trường an toàn, trật tự…
Tại hội nghị, đại diện các trường học trong khuôn khổ dự án đều bày tỏ mong muốn dự án sớm được triển khai và khẳng định sẽ tích cực tham gia triển khai thí điểm dự án.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.