(HNM) - Với kinh phí “nuôi” mỗi xe là 223 triệu đồng/xe/năm, việc TP Hà Nội thí điểm khoán xe công tại 8 cơ quan, đơn vị sẽ tiết kiệm hàng chục tỷ đồng cho ngân sách mỗi năm...
Số xe công của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chờ bàn giao về thành phố.Ảnh: Bá hoạt |
Thực hiện nghiêm túc
Sau khi Quyết định số 1215/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về thí điểm khoán xe phục vụ công tác chung có hiệu lực, ngày 1-3 vừa qua, 100% các chức danh lãnh đạo tại 8 đơn vị thí điểm, gồm các sở: Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Giao thông - Vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội; quận Hà Đông, Long Biên; huyện Thanh Trì, Gia Lâm đã sử dụng phương tiện cá nhân hoặc taxi khi công tác. Chánh Văn phòng Sở Tài chính Nguyễn Tiến Thiết cho biết, Sở có 5 xe công, trong đó 2 xe thuộc diện thanh lý và 3 xe còn niên hạn sử dụng sẽ được chuyển về các đơn vị sự nghiệp ngay trong tuần này. Lái xe cũng sẽ được điều về đơn vị nhận xe hoặc bố trí công việc phù hợp.
Tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 6 xe công, có 2 xe hết niên hạn sử dụng, 4 xe khác cũng sẽ được chuyển cho các đơn vị thuộc Sở theo quy định. Còn tại Sở Giao thông - Vận tải, Giám đốc, các Phó Giám đốc Sở đều sử dụng phương tiện cá nhân, phương tiện công cộng đi làm. Tại UBND huyện Thanh Trì, 2 chiếc xe công đã được niêm phong, bàn giao lại cho thành phố theo đúng quy định.
Đón nhận thông tin TP Hà Nội thí điểm khoán xe công, ông Nguyễn Quý Chất, cán bộ hưu trí phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm cho rằng: Trong bối cảnh ngân sách thành phố còn khó khăn, việc tiết kiệm chi tiêu là rất đáng quý, để có thêm khoản chi dùng cho những việc dân sinh cấp thiết. Cùng quan điểm, anh Phạm Duy Thảo (phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) cho rằng, giảm xe công ngoài tiết kiệm ngân sách còn có thể giảm bớt ùn tắc giao thông ở Hà Nội.
Đánh giá về chủ trương khoán xe công, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương lại cho rằng, sau khi thí điểm khoán xe công, Bộ Tài chính và các đơn vị cần tiếp tục mở rộng mức độ khoán và đối tượng khoán, đồng thời hoàn thiện cơ chế khoán để áp dụng chung cho các bộ, ngành, địa phương. Khi thực hiện tốt điều này, chủ trương khoán xe công sẽ thực sự đi vào cuộc sống, qua đó cắt giảm hiệu quả các khoản chi tiêu ngân sách.
Tiết kiệm 50 tỷ đồng mỗi năm
Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội đi công tác bằng xe taxi. Ảnh: Bá Hoạt |
Sau khi thực hiện khoán xe công, hai việc làm quan trọng cần cân nhắc là sắp xếp, điều chuyển số xe công dôi dư và bố trí công việc cho các lái xe. Theo Quyết định số 1215/QĐ-UBND, thành phố yêu cầu các đơn vị thực hiện thí điểm phải bảo đảm việc khoán kinh phí phương tiện đúng đối tượng, không phát sinh tăng chi phí hành chính hằng năm.
"Hà Nội là Thủ đô của cả nước và cũng là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm khoán xe công nên sẽ tác động tốt tới các địa phương khác. Đặc biệt, việc làm này càng ý nghĩa hơn khi Hà Nội đang đẩy mạnh thực hiện “Năm kỷ cương hành chính 2017". Chuyên gia kinh tế Trương Thanh Đức |
Các chức danh lãnh đạo theo tiêu chuẩn được lựa chọn một trong hai phương thức: Khoán kinh phí nhưng không vượt quá mức tối đa 9,3 triệu đồng/người/tháng hoặc khoán theo khoảng cách thực tế đi công tác hằng tháng nhân với đơn giá 13.000 đồng/km.
Ông Mai Xuân Vinh, Trưởng phòng Quản lý công sản, Sở Tài chính cho biết, khi nhận khoán xe công, các chức danh lãnh đạo có thể tự túc phương tiện cá nhân, taxi hoặc các phương tiện vận tải công cộng. Các cơ quan, đơn vị cũng có thể ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với đơn vị vận tải chuyên nghiệp. Số xe công dôi dư sẽ được niêm phong, thu về kho của thành phố và xem xét phương án xử lý phù hợp. Xe còn niên hạn dưới 15 năm sử dụng sẽ điều chuyển cho các đơn vị còn thiếu phương tiện theo tiêu chuẩn, ưu tiên cho trường học, bệnh viện. Xe đã hết niên hạn 15 năm sử dụng, thành phố sẽ thanh lý theo quy định. Liên quan đến các lái xe, UBND TP Hà Nội yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ động bố trí, sắp xếp công việc phù hợp và giải quyết chế độ chính sách.
Sau thời gian thực hiện thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe công, trên cơ sở kết quả đạt được, Sở Tài chính sẽ đề xuất, trình UBND TP Hà Nội báo cáo Thường trực Thành ủy để xem xét, quyết định phương án khoán kinh phí sử dụng xe công phù hợp với thực tiễn và các quy định của pháp luật. Sau khi áp dụng khoán xe công thí điểm tại 8 cơ quan, đơn vị, dự kiến việc khoán xe công sẽ được triển khai trên toàn thành phố từ ngày 1-10-2017.
Hiện, TP Hà Nội có hơn 400 xe ô tô công vụ. Qua việc thí điểm khoán xe công, sẽ có khoảng 50 xe “biển xanh” của 8 sở, ngành, quận, huyện được bàn giao lại cho thành phố; trong đó có 33 xe sẽ được thanh lý, 12 xe sắp hết niên hạn sử dụng. Dự kiến, khi việc khoán xe theo chức danh này được thực hiện tại tất cả các đơn vị, Hà Nội sẽ tiết kiệm được hơn 50 tỷ đồng/năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.