(HNMO) - Với hơn 13 triệu dân cư ngụ, lượng nhập cư cao, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có nhu cầu nhà ở cao nhất nước, nhất là nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Tuy nhiên, nguồn cung mới chỉ đáp ứng 5% nhu cầu thực tế. Thành phố đang nỗ lực thay đổi tình hình này.
Hệ quả mới của những vướng mắc cũ
Theo số liệu được Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh công bố đầu tháng 3-2023, giai đoạn 2016-2020, thành phố mới chỉ cung ứng được nguồn nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân đáp ứng 5% nhu cầu thực tế. Cụ thể, thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 19 dự án, diện tích sàn nhà ở xã hội tăng thêm 1,23 triệu m2 sàn, đạt 69,2% so với chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu là 1,78 triệu m2 sàn). Trong các năm 2021 và 2022, chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, đi vào hoạt động với quy mô 32.668m2 sàn xây dựng, 260 căn hộ.
Còn theo Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, có 16 nhà lưu trú công nhân được đưa vào sử dụng, tạo chỗ ở cho 21.000 người lao động, chiếm 15% lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp. Trong khi đó, theo Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2018 đến nay, chỉ có 318 trường hợp được duyệt vay gần 150 tỷ đồng để mua, sửa chữa nhà trên địa bàn, quá thấp so với nhu cầu thực tế.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Khiết nhận định: Những vướng mắc cũ về phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa được giải quyết. Trong số này, có những vướng mắc liên quan đến quy định pháp luật do bộ, ngành Trung ương ban hành. Phần còn lại do những vướng mắc từ thực tế triển khai trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Dẫn chứng về một trong những “lực cản” cho phát triển nhà ở xã hội, ông Huỳnh Thanh Khiết thông tin: Doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, nhưng vẫn phải thực hiện các quy trình để xác định tiền sử dụng đất rồi sau đó mới làm thủ tục miễn tiền sử dụng đất. Phải thẩm định giá bán, giá cho thuê và đối tượng thụ hưởng. Việc này kéo dài thời gian thực hiện dự án. Trong khi đó, dự án nhà ở thương mại không bị khống chế giá bán và đối tượng mua.
Trên thực tế, có những dự án nhà ở xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh được khởi công rầm rộ trong năm 2022, nhưng đến tháng 3-2023 vẫn chưa thể triển khai, do vướng mắc về thủ tục. Đơn cử như dự án nhà ở xã hội EHomeS Nam Sài Gòn - Block C - khu dân cư Nguyên Sơn tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, khởi công tháng 4-2022, quy mô 242 căn hộ. Hay dự án chung cư NƠXH thuộc khu nhà ở tại phường Phú Hữu, thành phố Thủ Đức (thuộc quỹ đất 20%), quy mô 764 căn hộ, khởi công tháng 9-2022…
Tháo gỡ vướng mắc
Hiện dân số thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm tăng thêm 200.000 người; 5 năm tăng 1 triệu người, nhu cầu nhà ở rất lớn. Theo Kế hoạch phát triển nhà giai đoạn 2021-2025, thành phố phấn đấu phát triển 2,467 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở xã hội. UBND thành phố nhận định những điểm cần tiếp tục tháo gỡ gồm: Cần có quy hoạch sẵn các điểm xây dựng nhà ở xã hội; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án nhà ở xã hội; tạo nguồn kinh phí và thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội.
Từ góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty Tư vấn và Quản lý Trung Đông Hưng Trần Văn Trãi nhận định: Doanh nghiệp mong muốn quy đổi 20% diện tích đất và số tiền xây nhà ở xã hội trong dự án nhà thương mại quy mô trên 10ha thành tiền, nộp vào ngân sách để chính quyền tạo quỹ xây dựng nhà ở xã hội ở địa điểm phù hợp. Điều này hợp lý hơn việc tồn tại một khu nhà ở xã hội trong khu thương mại, nhất là khu cao cấp.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường, đề xuất trên cũng đã được thành phố kiến nghị các bộ, ngành Trung ương chấp thuận. Trong lúc chờ các bộ, ngành xem xét, thành phố Hồ Chí Minh chủ động tháo gỡ vướng mắc tại 3 dự án nhà ở xã hội với tổng quy mô 2.778 căn hộ ngay từ tháng 3-2023.
Cụ thể, dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên (giai đoạn 1) ở huyện Bình Chánh có diện tích 23.100,8m2, quy mô 1.456 căn hộ nhà ở xã hội cho thuê đang chờ được điều chỉnh quy hoạch. Dự án nhà ở xã hội tại số 4 Phan Chu Trinh, phường 12, quận Bình Thạnh, có diện tích 12.100m2, dự kiến xây 805 căn, hiện đã hoàn tất khâu bồi thường và đầu tư hạ tầng, chờ xác định chủ đầu tư (vốn nhà nước). Dự án nhà ở xã hội chung cư Tanimex, ở phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, với quy mô 472 căn hộ (chờ điều chỉnh quyết định giao đất và sổ đỏ từ đất xây nhà cho công nhân thuê sang đất xây nhà ở xã hội để bán và cho thuê).
Thành phố cũng sẽ thí điểm thực hiện ngay từ tháng 3-2023 việc rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Theo đó, nếu doanh nghiệp có quyền sử dụng đất, sẽ hoàn thành cấp phép xây dựng nhà ở xã hội theo 5 bước trong 160 ngày. Trường hợp đất do Nhà nước quản lý, quy trình gồm 7 bước trong 320 ngày. Thành phố cũng chủ động rà soát, quy hoạch đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân để kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường nhấn mạnh: “Mục tiêu của Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 là khắc phục những hạn chế trong việc phát triển nhà thời gian qua, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư với các mức thu nhập khác nhau”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.