Theo dõi Báo Hànộimới trên

Theo lộ trình, đến năm 2016 mới tiếp tục tăng giá điện

Châu Anh| 12/06/2015 06:14

(HNM) - Sáng 11-6, Quốc hội (QH) bắt đầu thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn với thời gian 2 ngày rưỡi. Đầu giờ sáng, QH đã nghe báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tám QH khóa XIII.


Trong báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện của UBTVQH Nguyễn Đức Hiền cho biết, tại kỳ họp thứ tám, QH khóa XIII, cử tri cả nước đã gửi đến Quốc hội 2.530 kiến nghị về hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước. Sau khi tổng hợp, phân loại, còn 2.108 kiến nghị đã chuyển đến cơ quan có thẩm quyền. Trên cơ sở báo cáo kết quả giải quyết và làm việc với một số bộ, ngành, địa phương, UBTVQH đã có báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Đến trước kỳ họp thứ chín của QH, các cơ quan có thẩm quyền đã nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời 2.108 kiến nghị. Trong đó, QH, các cơ quan của QH có 123 kiến nghị, tập trung vào việc tiếp thu hoàn thiện 18 luật, 1 nghị quyết xem xét, thông qua; 12 dự án luật cho ý kiến tại kỳ họp thứ tám, nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm chất lượng, tính hợp hiến và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao có 32 kiến nghị, tập trung các biện pháp nâng cao chất lượng truy tố, xét xử; xử lý nghiêm minh những vụ án tham nhũng, triển khai thực hiện Luật Tổ chức TAND và Luật Tổ chức Viện KSND vừa được QH thông qua; lựa chọn, đào tạo bồi dưỡng thẩm phán, kiểm sát viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp. Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ có 1.943 kiến nghị. Trong đó, có một số nội dung cử tri kiến nghị nhiều lần đã được xem xét, giải quyết, được chia thành các nhóm vấn đề: Về sản xuất, đời sống của người dân tái định cư khi Nhà nước xây dựng các công trình thủy điện; về sản xuất và đời sống của ngư dân; về xây dựng nông thôn mới; về đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông; về chính sách tín dụng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát là "tư lệnh" ngành đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời chất vấn về các vấn đề điều hành giá xăng dầu, giá điện; về công nghiệp hỗ trợ; về phòng, chống gian lận thương mại, hàng giả; về ngành công nghiệp ô tô; về tác động của thủy điện nhỏ tại miền Trung… Trả lời câu hỏi về điều hành giá xăng dầu, giá điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, điện, xăng dầu là hàng hóa đặc biệt liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước nên mỗi biến động dù nhỏ cũng tác động đến người dân. Các mặt hàng này thực hiện theo cơ chế giá thị trường, nhưng còn có sự quản lý của Nhà nước. Với trách nhiệm được giao, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính luôn tính toán thận trọng để đáp ứng được điều chỉnh giá theo đúng lộ trình, không bù giá, nhưng mặt khác giảm thiểu ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Bộ trưởng cũng khẳng định: "Chúng tôi làm hết trách nhiệm trước Chính phủ và với nhân dân". Với mặt hàng xăng dầu, mặc dù còn có ý kiến chưa thống nhất, nhưng đánh giá chung, mặt hàng này được điều hành theo Nghị định 83 của Chính phủ và từng bước đưa vào theo đúng lộ trình. Về giá điện, theo Bộ trưởng Bộ Công thương, giá điện được điều chỉnh tăng từ tháng 8-2013 và không tăng trong năm 2014; đến tháng 3-2015 mới điều chỉnh tăng 7,5% theo chủ trương đưa giá điện về cơ chế thị trường. Theo lộ trình, đến năm 2016 mới tiếp tục tăng giá điện.

Trả lời câu hỏi của ĐB Thân Đức Nam liên quan đến công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm trước QH về sự chậm trễ trong thực thi chính sách để thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển. Bộ trưởng lý giải, cơ chế, chính sách khuyến khích cho công nghiệp hỗ trợ đã được đặt ra trong nhiều năm nay, nhưng chuyển biến trong xây dựng khung pháp luật còn hạn chế. Trong khi đó, đại đa số DN trong lĩnh vực này là DN vừa và nhỏ, nếu không có hỗ trợ ban đầu thì sẽ gặp khó khăn. Bộ Công thương cũng đưa ra hình thức có quỹ hỗ trợ, tuy nhiên mô hình này chưa phù hợp. Bộ trưởng khẳng định, hiện Bộ Công thương đang tìm các giải pháp để hỗ trợ DN, trong đó có trung tâm trợ giúp DN hỗ trợ (trung tâm này vận dụng mô hình trường ĐH, viện nghiên cứu…).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Theo lộ trình, đến năm 2016 mới tiếp tục tăng giá điện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.