Theo dõi Báo Hànộimới trên

Theo dòng lịch sử nghĩ về việc dạy Sử trong nhà trường

GS. NGND Vũ Dương Ninh - Đại học Quốc gia Hà Nội| 15/12/2015 21:34

Đã nhiều tuần nay, cuộc tranh luận trên báo chí ngày càng sôi nổi xoay quanh vấn đề dạy Sử và học Sử. Lịch sử dân tộc Việt Nam oai hùng là thế, phong phú là thế mà cớ sao học sinh ngày nay lại chán học môn này.


Chính giữa lúc đó, tập trường ca “Cuộc chiến mười ngàn ngày” của Hữu Đạt tình cờ đến với tôi như một cơ duyên - một trường ca lịch sử. Tôi tò mò đọc, rồi bị cuốn hút, rồi nghĩ suy và không đừng được, phải cầm bút viết mấy dòng. Tôi không dám lạm bàn về mặt văn chương, cũng không nói hết được sự cảm phục đến ngạc nhiên về sáng tạo của “ kiểu thơ hình họa” được tác giả trình bày qua tập trừng ca này. Là thầy giáo dạy Sử, chỉ xin ngỏ đôi điều để nói cùng đồng nghiệp: đây chính là một kênh đưa lịch sử vào bài giảng, không những về kiến thức mà còn cả những cảm nghĩ đầy ý thơ, dễ làm xúc động tâm hồn trẻ, từ đó các em sẽ vừa yêu Sử, vừa mê Thơ.

*  *  *


Gói gọn câu chuyện trong mười ngàn ngày, Hữu Đạt đã dành cả tập trường ca phác họa lịch sử đất nước hơn ba mươi năm từ Tháng Tám mùa thu Cách mạng. Trước đó, Đêm nô lệ tối đen vầng trăng khuyết, Vọng tiếng người xưa: Ai cứu nước non nhà? Câu hỏi được đáp lại bằng những tấm gương Tôn Thất Thuyết cùng Hịch Cần vương, với Nguyễn Trung Trực phương Nam, Hoàng Hoa Thám phía Bắc, cuối cùng đều chìm trong biển máu. Nhưng người Việt ngàn năm quyết không chịu sống hèn, Lại đến lúc hai cụ Phan đứng dậy. Bằng vài nét chấm phá, tác giả phân tích xu hướng cứu nước của hai Cụ mà kết cục cũng chẳng thành. Giữa lúc đó, Đảng đã kip ra đời. Nếu sách giáo khoa phải vất vả trình bày nội dung của Luận cương, thì ở đây, chỉ cần thoáng vài nét thơ Luận cương viết: Nước phải thành độc lập, Đất ngàn năm phải trả lại dân cày, Những công xưởng, hầm lò, nhà máy, Công nhân thành người chủ dựng xây, Đường lối mở toàn dân náo nức, Cùng nắm tay đoàn kết công nông. Đầy đủ toàn bộ mục tiêu cách mạng: độc lập cho dân tộc, ruộng đất cho dân cày, nhà máy cho người thợ, khối liên minh công nông. Thật xúc tích, thật dễ thấm, học sinh nào mà chẳng nhớ!

Từ đó, 15 năm đấu tranh với dấu tích của Nghệ An Xô viết, của Nam Kỳ khởi nghĩa cùng tên tuổi những nhà lãnh đạo Trần Phú, Minh Khai, Tô Hiệu, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập…để rồi Dưới lán lá Tuyên Quang một ông già tóc bạc, Đã ung dung triệu Hội nghị Diên Hồng. Từ Tân trào, lệnh Tổng khởi nghĩa ban ra, Đoàn Nam tiến diệt đồn Phai Khắt, Gió ngàn phương xanh mát nắng Nà Ngần, Nhà hát lớn đã treo cờ Tổ quốc, Vang rợp trời tiếng hát của Nhân dân, Huế - Sài Gòn tháng ngày sôi sục, Cờ đỏ tung bay trên khắp phố phường. Cả một cuộc Tổng khởi nghĩa từ chiến khu Việt Bắc đến Thủ đô Hà Nội, lan tỏa vào Huế và Sài Gòn được gói gọn chưa đầy nửa trang thơ với những địa danh làm sao quên được. Thế là Tám mươi năm sống trong đời nô lệ, Dân lầm than, trang sử cũng đen bầm. Để đến hôm nay Trời thu rộng Ba Đình tỏa sáng, Bác đọc Tuyên ngôn giữa muôn triệu đồng bào, Khai sinh nước Việt Nam từ bàn tay đế quốc, Chung tay thề: Sẽ sống chết cùng nhau, Dẫu phải đốt cả dãy Trường Sơn, Quyết giữ nền độc lập, Cho bây giờ và cho mai sau. Với đoạn thơ này, chắc chắn học sinh sẽ khắc ghi Lời thề Độc lập được Bác Hồ tuyên thệ ngày 2-9 năm 1945: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết tâm đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” (Tuyên ngôn Độc lập).

Ba mươi năm cuộc kháng chiến cứu nước, khơi nguồn từ tháng 9 đêm 23, ba tuần lễ sau ngày Độc lập: Nam Bộ đã bắt đầu vang tiếng súng, Khúc mở màn cuộc kháng chiến 9 năm. Chiến tranh lan ra phía Bắc, từ Hà Nội vang lên Lời kêu gọi thiêng liêng: Ta muốn hòa bình, nên ta nhượng bộ, Ta nhượng bộ rồi địch lại lấn thêm, Vì chúng muốn cướp nước ta lần nữa, Không thể sống quỳ ta quyết đứng lên. Những câu thơ của Huxu Đạt gợi ta nhớ đến lời Bác kêu gọi năm xưa: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Hơn sáu chục ngày đêm, Hà Nội chìm trong máu lửa với tinh thần chiến đấu ngoan cường Mỗi góc phố đã biến thành ụ pháo, Mỗi con đường thành đường máu hy sinh. Nhưng rồi vì nhu cầu chiến lược, trung đoàn Thủ đô phải tạm rời thành phố ra đi Bỏ lại sau lưng những phố phường nham nhở, Khóc âm thầm trong ánh đạn hỏa châu với nỗi niềm sâu kín Ta nhớ nhiều, nhớ lắm Hà Nội ơi! Từ buổi ấy, lịch sử ghi lại tiếp nối những chiến công từ Sông Lô, Biên giới đến Nghĩa Lộ, Hòa bình…và cuối cùng, chiến dịch Điện Biên. Nhiều trang thơ của tác giả đã đánh thức người đọc nhớ về các chiến dịch lớn lao này, từ buổi Bộ chính trị họp bàn trong lán trúc đến lúc Bác tin tưởng giao cho Anh trọng trách, Quyết lần này phải thắng trận Điện Biên. Lãnh trọn nhiệm vụ Bác giao, từ nơi biên cương Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày đêm suy tư về trận đánh, cuối cùng đi đến Một quyết định khó khăn đầy nước mắt, Kéo pháo vào rồi, nay lại kéo pháo ra, Chuyển kế hoạch đánh nhanh thành tiến chắc để sau 55 ngày đêm khói lửa đạn bom, giành được chiến thắng cuối cùng Cuộc kháng chiến 9 năm kết thúc, Trận Điện Biên chói lọi sử vàng. Đúng lời hẹn 9 năm về trước, Hà Nội hôm nay ngợp trời trong nắng mới, Năm cửa ô náo nức đón quân về.

Nhưng cũng từ đó, tại Geneva Hiệp định ký chia đôi đất nước, Hiền lương đau trong từng chuyến đò ngang. Đêm nô lệ vẫn chìm trong nửa nước. Thế là cuộc trường chinh lại nối tiếp hai mươi năm, lại những đoàn quân ra trận, bao địa danh lần lượt đi vào lịch sử Hết chiến thắng Bàu Bàng, Ấp Bắc, Lại Tà Cơn, Lũng Cú, Khe Sanh. Đòn Mậu Thân buộc đối phương ngồi vào bàn đàm phán. Cuộc đấu trí “đánh và đàm” được tác giả thuật lại rất tài tình: Trong mỗi cái bắt tay có cả lời dọa nạt, Ta vẫn hiên ngang đáp lại những nụ cười. Thủ đô kiên cường đối đầu với B52, 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, Hà Nội đứng trên thế ngàn năm vẫn vững, buộc đối phương phải ký Hiệp định Paris sau nhiều năm tháng giằng dai, tráo trở. Quân Mỹ ra đi, quân ngụy ở lại hoảng hốt, hoang mang. Không bỏ lỡ thời cơ ta xốc tới, Vùng núi, nông thôn giăng thế trận diệt thù. Lại những địa danh đi cùng chiến dịch: Buôn Mê Thuột, Plây Cu, Kontum, Huế, Đà Nẵng cho đến Ngày hôm nay là trận đánh cuối cùng, Trận đánh làm bàng hoàng nước Mỹ, Đất nước tưng bừng trong Đại thắng Mùa Xuân.


*   *   *


Ba mươi năm chiến tranh, từng dòng thơ đưa người đọc trở về những ngày gian nan đầy sôi động, đầy khí thế Để cầm súng bước vào trận đánh, Chỉ biết tấn công không lùi lại bao giờ. Một thế hệ khí phách hiên ngang không ngai hy sinh, lãnh trách nhiệm Bốn ngàn năm lịch sử đang chờ. Chính tinh thần đó đã nhân lên sức mạnh bội phần trong cuộc chiến, đã viết lên những trang sử huy hoàng của dân tộc.

Nhưng mặt khác, chiến tranh không phải là bức tranh thêu muôn màu sặc sỡ mà còn có chia ly, mất mát, đau thương. Nhà thơ không lảng tránh, những dòng thơ đi vào góc khuất của tâm hồn, rất thực, rất đời. Nỗi đau của chiến tranh được Hữu Đạt miêu tả bằng những câu thơ đầy suy gẫm và xúc động: Chẳng có nơi nào trên trái đất, Dòng họ nào cũng phải có khăn tang. Cũng lại câu hỏi có nơi nào trên trái đất mà Trong mỗi căn nhà đều có màu áo lính, Trong mỗi góc phố đều có người ra trận, Trong mỗi căn buồng đều có cuộc chia ly. Trong cuộc chia ly ấy, những cô gái đến tuổi lấy chồng âm thầm gửi vào giọt lệ câu hỏi Anh đi rồi liệu có về không? Ôi, câu hỏi không nói được thành lời mà nghẹn lại thành những trăn trở, dằn vặt ngày đêm trong tâm hồn bao cô gái trẻ. Nỗi niềm của người chinh phụ được gửi gấm vào kiểu thơ hình họa mang dáng hình chữ S - Tổ quốc Việt Nam, gây xúc động khôn cùng. Cũng câu hỏi đó, bao bà mẹ đau đáu trông chờ, ngày qua ngày, đêm qua đêm lắng nghe tiếng súng, trông đợi thư con từ nơi chiến tuyến. Nhưng than ôi, nhiều khi lại là thư báo tử, Trong mỗi chiều đều có người mẹ khóc, Hay tin con chết trận chẳng trở về. Như tiếng sét ngang tai, mẹ gắng gượng giấu trong lòng những dòng nước mắt thương con. Cái giá của chiến tranh day dứt kéo dài như một vết thương sâu trong lòng người, trong cuộc sống. Sự thực đó rất cần cho lớp trẻ hiểu rõ để sẵn sàng đối mặt trong cuộc đấu tranh vì biển đảo hôm nay: Ý thức với Biển Đông từ thuở ấy, Đã thấm vào từng ngọn núi, cỏ cây, Và nhịp đâp trái tim bao thế hệ, Hoàng Sa, Trường Sa sóng nước trời mây cùng với lời nguyền Không thể để quân thù cướp mất, Dù một chút màu xanh lơ lửng ngang trời. Không để chúng giẫm lên từng hạt cát, Dẫu còn non lúc mới sinh phôi.

*   *   *


Xin tạm dừng nơi đây với đôi điều suy ngẫm. Từ lịch sử, tác giả viết thành thơ. Các thày cô dạy sử, cùng những bài giảng hãy đưa các em đến với lịch sử qua những dòng thơ. Hữu Đạt – nhà văn, nhà thơ đồng thời là nhà ngôn ngữ, nhà giáo – đã nêu một ví dụ thành công về sư tích hợp giữa văn và sử, đã gợi mở một kênh đi vào lịch sử qua thơ bên những bài giáo khoa chính thống hiện đang được dùng trong các nhà trường. Khi đó, lớp trẻ mà chúng ta trông đợi sẽ vừa yêu Sử lại vừa mê Thơ!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Theo dòng lịch sử nghĩ về việc dạy Sử trong nhà trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.