(HNM) - Từ ngày 1-7-2015, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi chính thức có hiệu lực. Cộng đồng doanh nghiệp (DN) cũng như cơ quan quản lý đều kỳ vọng, hai dự luật này mang lại bước đột phá trong việc kiến tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Giảm nhiều thủ tục hành chính
Theo các chuyên gia, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ tạo không gian phát triển mới cho DN, nhà đầu tư và từ đó tạo ra sức bật mạnh mẽ đối với toàn bộ nền kinh tế. Điển hình, riêng việc khởi sự kinh doanh sẽ giảm từ 10 thủ tục xuống còn 5 thủ tục; tổng thời gian cần thiết cho DN gia nhập thị trường giảm từ 34 ngày xuống 17 ngày, trong đó thời gian đăng ký kinh doanh còn 3 ngày. DN, nhà đầu tư cũng được bảo vệ theo đúng chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Ngay từ giai đoạn lấy ý kiến, tham vấn các bộ, ngành cũng như cộng đồng DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan soạn thảo hai dự luật - đã nhận được sự đồng thuận cao; đánh giá luật "cởi trói" cho DN. Dự báo, các nguồn lực to lớn, mới mẻ sẽ chảy mạnh vào thị trường trong tương lai gần.
Trong khi chờ ban hành các văn bản hướng dẫn, nhất là Nghị định của Chính phủ về đăng ký DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản hướng dẫn các Sở Kế hoạch và Đầu tư một số nội dung liên quan. Theo đó, trường hợp DN đăng ký thành lập thì hồ sơ đăng ký thực hiện theo quy định tại Điều 20, 21, 22, 23 của Luật DN. Trình tự, thủ tục đăng ký thành lập DN thực hiện theo quy định tại Điều 27 Luật DN mà không cần chờ văn bản hướng dẫn. Trường hợp DN lập địa điểm kinh doanh thì gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh tại địa phương và phòng này sẽ cấp Giấy chứng nhận Đăng ký địa điểm kinh doanh cho DN trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ.
Tương tự, trong khi chờ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, Bộ cũng vừa công bố danh mục các điều kiện kinh doanh đối với 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện trên Cổng thông tin Đăng ký DN quốc gia, để bảo đảm thông tin công khai, minh bạch và kịp thời. Danh mục các điều kiện này phân chia theo 16 ngành, lĩnh vực, gồm: Tư pháp, tài chính, công thương, lao động, giao thông vận tải, xây dựng, thông tin - truyền thông, giáo dục, y tế… với những nội dung và chỉ dẫn cụ thể. Được biết, hiện các dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật DN và Luật Đầu tư sửa đổi đã được trình Chính phủ ban hành.
Cần tăng tốc hoàn thiện môi trường kinh doanh
Những động thái tích cực trên diễn ra ở thời điểm mà yêu cầu cải cách thể chế, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về kinh doanh đang đặt ra ngày càng gay gắt, không thể chậm trễ, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, rộng. Xét từ góc độ DN, không ít đơn vị tỏ ra sốt ruột khi dự luật có hiệu lực nhưng thiếu văn bản hướng dẫn, khiến cho DN thiếu điều kiện để xem xét quyết định kinh doanh hoặc mất cơ hội trong đầu tư. Tại phiên họp Chính phủ tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc nhở, yêu cầu chấn chỉnh việc một số bộ, ngành, địa phương chưa có chương trình hành động nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP. Yêu cầu của Thủ tướng đối với các bộ, ngành cũng giống như ý kiến của các chuyên gia kinh tế khi cho rằng, cần có quyết tâm đổi mới thực sự, với tinh thần cầu thị, kịp thời từ cấp điều hành vĩ mô đến cơ sở, đặc biệt là đối với cấp bộ và hệ thống cơ quan thừa hành. Thực tế, DN vẫn còn tâm lý e ngại từ mong muốn, quy định pháp lý đến hiện thực còn một khoảng cách. Nói cách khác, luật "cởi mở" nhưng văn bản hướng dẫn dưới luật nhiều khi lại "đóng".
Tuy nhiên, với hai dự luật mới liên quan đến đầu tư, kinh doanh có hiệu lực, hy vọng rằng, quá trình hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tạo ra môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, thông thoáng, tiến bộ, phù hợp thông lệ quốc tế... sớm được đẩy nhanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.