Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm sức mạnh từ phòng không sơ tán năm 1972

Thạc sĩ Phạm Kim Thanh| 21/12/2022 06:44

(HNM)- Thủ đô Hà Nội là nơi tập trung các cơ quan đầu não của Trung ương Đảng và Chính phủ, các nhà máy, xí nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học của cả nước. Vì thế, khi Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại, công tác phòng không sơ tán được Thành ủy Hà Nội coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, làm hậu thuẫn và tăng thêm sức mạnh chiến đấu cho lực lượng vũ trang Thủ đô trên chiến trường “đất đối không” vô cùng ác liệt năm 1972.

Sửa chữa và làm mới nhiều hầm hào để phòng tránh cho nhân dân Thủ đô trong những ngày máy bay B-52 của giặc Mỹ ném bom Hà Nội năm 1972. Ảnh: TTXVN

Chủ động từ sớm        

Ngày 16-4-1972, ngay khi đế quốc Mỹ oanh kích Hải Phòng, Hà Nội, Thường vụ Thành ủy và Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội họp phiên bất thường, ra thông báo cho quân, dân Thủ đô sẵn sàng chiến đấu và triển khai công tác phòng không nhân dân trong tình hình mới. Ngày 19-4-1972, Thành ủy, Ủy ban Hành chính thành phố đã chỉ thị cho các cơ quan, xí nghiệp khẩn trương sơ tán người già, trẻ em, phân tán kho và hàng hóa khỏi thành phố và giao Sở Công an kiểm tra, đôn đốc việc sơ tán gấp rút khoảng 25 đến 30 vạn người ra khỏi nội thành.

Sau 4 ngày, kể cả số dân sơ tán từ trước, 26 vạn người đã rời nội thành. Ngày 25-4-1972, lãnh đạo thành phố quyết định sơ tán thêm 10 vạn người và nếu địch đánh phá ác liệt, có thể sơ tán từ 25 đến 50 vạn người, chỉ để lại lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Đây là quyết tâm lớn của Đảng bộ Thủ đô khi Hà Nội đã trở thành chiến trường trong trận đụng đầu lịch sử.        

Ngày 29-4-1972, Hội đồng Chính phủ chỉ thị cho Hà Nội: “Việc sơ tán người, sơ tán cơ quan, phân tán các tài sản nhà nước phải tiến hành hết sức khẩn trương và chu đáo”. Chính vì vậy, Hội đồng phòng không nhân dân đã gấp rút kiện toàn tổ chức từ thành phố xuống các khu phố, khối phố và huyện, xã. Hội đồng gồm các Ban: Sơ tán, Hầm hào, Đảm bảo giao thông, Khắc phục hậu quả. Chủ tịch Ủy ban Hành chính 4 khu phố Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng kiêm luôn Chủ tịch Hội đồng phòng không để thống nhất chỉ đạo toàn khu và cử cán bộ về các địa phương quanh Hà Nội (Hà Tây, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hưng Yên, Nam Hà…) để tìm địa điểm cho các đơn vị đi sơ tán. Mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã cũng có Ban chỉ huy phòng không do thủ trưởng hoặc giám đốc nhà máy, chủ nhiệm hợp tác xã trực tiếp làm trưởng ban.       

Thành ủy cũng chỉ đạo rất sát sao, yêu cầu các ngành Thương nghiệp, Giao thông, Giáo dục… bảo đảm nhu cầu thiết yếu về lương thực, thực phẩm, phương tiện cho cán bộ, nhân dân, học sinh đi sơ tán và các em tiếp tục học tập bình thường ở các địa phương. Cuối tháng 11-1972, toàn thành phố Hà Nội chỉ còn khoảng 10 vạn dân ở lại nội thành.       

Lực lượng khắc phục hậu quả, bảo đảm giao thông thông suốt, cứu sập, cứu thương được củng cố tổ chức, bồi dưỡng nghiệp vụ, tăng cường trang bị. Hệ thống cấp cứu được tổ chức từ thành phố xuống khu phố, tiểu khu trong nội thành, các huyện, xã ở ngoại thành với tủ thuốc y tế trang bị đủ dụng cụ, túi thuốc, bông băng để giải quyết nhanh việc sơ cứu.        

Những ngày khốc liệt!       

Trước thái độ lật lọng của chính quyền R.Nixon tại Hội nghị Paris, sáng 2-12-1972, Thường vụ Thành ủy họp và quyết định sơ tán ngay người già, trẻ em, những người không thật cần thiết cho sản xuất, chiến đấu ra khỏi nội thành và các trọng điểm của ngoại thành. Thời gian sơ tán phải hoàn thành trước 18h ngày 4-12-1972.

Do đó, chính quyền và Hội đồng phòng không các cấp đã tích cực vận động được thêm 7 vạn dân đi sơ tán. Riêng đối với Nhà máy Điện Yên Phụ và Nhà máy Nước Yên Phụ, bộ đội đã xây bức tường đặc biệt dày 4m, cao 13m, dài hàng trăm mét, sơn quét tường và tạo màn khói hỏa mù làm cho địch khó phát hiện. Phía trong bức tường là công sự, giao thông hào, hố cá nhân thông với hệ thống hầm ngầm chạy suốt từ phía trước nhà tua bin dẫn ra ngoài. Tự vệ và công nhân 2 nhà máy trên đã kiên cường anh dũng, bám trụ suốt 12 ngày đêm Mỹ dội bom khốc liệt, bảo đảm hoạt động bình thường của guồng máy thành phố. Dù Mỹ dùng bom “thông minh”, đánh phá đúng trung tâm Nhà máy Điện Yên Phụ nhưng đêm Noel, Nhà thờ Lớn vẫn sáng ánh đèn, người Hà Nội cầu mong cho hòa bình an lạc!       

Ở đường phố và các khu tập thể, hệ thống hào giao thông, hầm tập thể, hố cá nhân được cấp tốc nạo vét và sửa sang, làm mới. Đến đầu tháng 12-1972, Hà Nội đã có hơn 40 vạn hố cá nhân, hơn 90 hầm tập thể, gần 45km hào giao thông để giảm thiểu thiệt hại khi địch ném bom. Từ tháng 4 đến ngày 4-12-1972, tỉnh Hà Tây (cũ) đã đón nhận và thu xếp nơi ăn ở cho gần 50 vạn cán bộ, đồng bào, 1.200 cơ quan, trường học, nhà máy, xí nghiệp của trung ương và Hà Nội về sơ tán.       

Đêm 18-12-1972, khi Mỹ mở chiến dịch Linebacker II, nhiều tốp máy bay B-52 đã trút bom xuống Thủ đô. Cả ngày và đêm hôm sau, gần 548 nghìn người dân đã được đưa đến nơi sơ tán nhanh gọn, an toàn. Đây là lần sơ tán đạt kết quả cao nhất trong cả hai cuộc chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Tại nội đô, ngành Thương nghiệp, lương thực, ăn uống thay đổi phương thức phục vụ bằng cách mở các quầy hàng lưu động, phục vụ các lực lượng ở lại bám trụ sản xuất và trực tiếp chiến đấu. Ở ngoại thành, ngay sau khi địch đánh phá ác liệt ở Uy Nỗ, Xuân Nộn, Tây Mỗ, Đại Mỗ, thị trấn Yên Viên, Đài Tiếng nói Việt Nam trong đêm 18 và sáng 19-12, thì đến đêm 19-12, dân nhân các huyện thực hiện lệnh của Ủy ban Hành chính thành phố đã sơ tán cấp tốc và triệt để, chỉ để lại dân quân tự vệ và bộ đội chiến đấu. Sở Giao thông - Vận tải huy động hàng trăm xe chở nhân dân đi sơ tán.       

Trong 12 ngày đêm, Mỹ tập trung đánh vào hơn 830 điểm ở Thủ đô, gây bao đau thương tang tóc chất chồng, nhưng phẩm chất anh hùng, xả thân vì đồng bào, vì nghĩa lớn của người Hà Nội càng sáng ngời. Cứu hỏa, cứu thương, cứu sập… đã trở thành nhiệm vụ chung của mọi người. Tự vệ, dân phòng, đội xung kích, phụ nữ… đều lao đi cứu dân, cứu tài sản tại kho hàng ở các ga: Yên Viên, Gia Lâm, Giáp Bát; kho hóa chất Đức Giang, kho nguyên liệu của Nhà máy Thuốc lá Thăng Long và Nhà máy Dệt 8-3… và khắc phục hậu quả ngay sau khi tiếng bom đạn dứt. Ở khu An Dương, đêm 21-12-1972, bom từ máy bay B-52 rải thảm làm 171 người chết, trong đó đa số là người già và trẻ em. Đêm 26-12-1972, bom rải thảm gần như san phẳng phố Khâm Thiên. Ủy ban Hành chính khu Đống Đa và Ban phòng không sơ tán đã huy động ngay trong đêm gần 1.000 người đi cứu sập, cứu thương, thu dọn vệ sinh, phòng dịch, dựng tạm lại nhà cửa. Nghĩa cử đồng bào "nhường cơm sẻ áo" trong đau thương quý giá vô ngần.       

Sau đêm 26-12-1972, sơ tán hết nhân dân ra khỏi nội thành là nhiệm vụ cấp bách nhất. Lãnh đạo Hội đồng Chính phủ họp khẩn với các Bí thư và Chủ tịch các tỉnh, thành phố xung quanh Hà Nội để giải quyết những vấn đề cấp bách về chiến đấu và phục vụ chiến đấu của Thủ đô, đón nhân dân Hà Nội về sơ tán. Ngày 28-12-1972, tại 62 Trần Quốc Toản (Hà Nội), Thường vụ Thành ủy họp đột xuất đề ra một số biện pháp cấp bách bảo đảm cho chiến đấu và phòng tránh lâu dài, động viên cao nhất lực lượng cứu hỏa, cứu sập, cứu thương, khắc phục hậu quả địch tàn phá nặng nề. Tổng số dân nội thành sơ tán trong năm 1972, tính đến hết ngày 28-12-1972 là hơn 50 vạn người, qua đó góp phần đập tan cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ xâm lược. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm sức mạnh từ phòng không sơ tán năm 1972

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.