Nông thôn mới

Thêm những miền quê đáng sống

Nguyễn Mai 01/01/2024 07:20

Xây dựng nông thôn mới là hành trình có điểm đầu nhưng không có điểm cuối. Vì vậy, khi 100% số xã và huyện đạt chuẩn nông thôn mới, các địa phương của Thủ đô tiếp tục tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.

Kết quả là, nhiều thôn làng ở Hà Nội đã, đang trở thành những miền quê đáng sống.

thanh-tri.jpg
Xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên cả 8 lĩnh vực và được công nhận là điểm du lịch của thành phố Hà Nội. Ảnh: Thanh Hồng

Rộn ràng nhịp sống mới

Những ngày cuối năm 2023, ông Nguyễn Xuân Quyền ở thôn Lòng Hồ (xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây) dành thêm nhiều tâm huyết chăm sóc hơn 200 đàn ong nuôi lấy mật. Theo ông Quyền, mật ong Kim Sơn ngon nức tiếng, đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Mỗi năm thu hoạch 3 lần, nhưng đợt thu hoạch mật ong vào mùa xuân tới đây sẽ cho năng suất, chất lượng mật cao nhất.

Gia đình ông Quyền là một trong số hàng trăm gia đình ở xã Kim Sơn có thu nhập cao từ việc khai thác lợi thế đặc trưng của địa phương trong phát triển kinh tế. Ngoài nuôi ong lấy mật, tận dụng lợi thế địa hình đẹp, có hồ Đồng Mô thơ mộng, có hồ Pheo, đồi Cáo chạy dài tự nhiên ven hồ và các di tích lịch sử, văn hóa cấp thành phố…, nhân dân trên địa bàn xã đã phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn.

Chủ tịch UBND xã Kim Sơn Lê Thị Chính chia sẻ niềm vui khi năm 2023, Kim Sơn là xã đầu tiên của thị xã Sơn Tây được thành phố Hà Nội đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên 5 lĩnh vực: An ninh trật tự, y tế, văn hóa, du lịch và chuyển đổi số.

Không chỉ Kim Sơn, ngày càng có nhiều hơn các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu. Xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) là một trong hai xã đầu tiên của thành phố Hà Nội đạt nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện trên cả 8 lĩnh vực: Môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, du lịch, chuyển đổi số, an ninh trật tự, sản xuất. Có mặt tại xã Yên Mỹ những ngày này, cảm nhận rõ nét nhất đó là "bức tranh" rộn ràng nhịp sống mới.

Bí thư Chi bộ thôn 3 (xã Yên Mỹ) Nguyễn Văn Trà cho biết, cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã được đầu tư đồng bộ, khang trang, góp phần thay đổi diện mạo và thúc đẩy kinh tế địa phương. Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ Hà Diệu Thư thông tin, cùng với niềm vui hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên cả 8 lĩnh vực, năm 2023, xã được công nhận là điểm du lịch của thành phố Hà Nội.

Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho hay, đến hết năm 2022, Hà Nội có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. "Với những tiêu chí rất cao, nên ở những xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đời sống vật chất và tinh thần của người dân tốt hơn nhiều so với xã nông thôn mới nâng cao", ông Ngọ Văn Ngôn nói.

Giàu đẹp, văn minh, hiện đại

Trong số các địa phương của Hà Nội, Đan Phượng và Thanh Trì là những huyện thuộc tốp đầu của thành phố trong triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam, năm 2022, huyện có 12/15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2023, huyện đã làm hồ sơ đề nghị công nhận 3 xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Kinh nghiệm của huyện là, hằng năm xây dựng kế hoạch tổ chức cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Cuộc thi được phát động đến cơ sở và 100% các thôn, tổ dân phố tham gia. Điều này giúp các thôn, tổ dân phố duy trì tốt phong trào giữ gìn cảnh quan môi trường. Năm 2023, Đan Phượng cũng đẩy mạnh chuyển đổi số tới cơ sở, thông qua việc xây dựng mô hình thôn thông minh ở 100% các thôn…, để nông thôn đã giàu, đẹp lại thêm văn minh, hiện đại.

Năm 2023, huyện Thanh Trì cũng có 8 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Trưởng phòng Kinh tế huyện Nguyễn Thị Tuyết Anh cho biết, Thanh Trì đã đánh giá, nhìn nhận đúng thực tế các tiêu chí. Cụ thể, điều kiện bắt buộc đối với xã nông thôn mới kiểu mẫu là phải đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Theo đó, huyện đã bảo đảm có 100% số xã đạt. Hay như với tiêu chí thu nhập, đến nay, thu nhập bình quân của các xã trên địa bàn đều đạt 74 triệu đồng/người/năm trở lên. Đối với 8 lĩnh vực tự chọn (an ninh trật tự; môi trường; sản xuất; y tế; văn hóa; giáo dục và đào tạo; du lịch; chuyển đổi số), từ nhiều năm nay, huyện Thanh Trì luôn chú trọng, quan tâm thực hiện. Với nền tảng vững chắc đó, huyện đã chỉ đạo các xã trên địa bàn bám sát vào bộ Tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu để triển khai thực hiện hiệu quả.

Bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của huyện Thanh Trì, quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu cũng có sự vào cuộc quyết liệt của các xã trên địa bàn.

Chủ tịch UBND xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) Nguyễn Xuân Thọ cho hay, trên cơ sở bộ tiêu chí và hướng dẫn xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã đã triển khai kế hoạch thực hiện cụ thể. Chẳng hạn, trong lĩnh vực chuyển đổi số, huyện xây dựng mô hình thôn thông minh cho cả 4/4 thôn trên địa bàn. Hiện ở các thôn này đã có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình thực hiện giới thiệu, quảng bá, tiếp thị và bán các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bằng hình thức thương mại điện tử.

Với sự vào cuộc quyết liệt, bài bản, Hà Nội đã và đang nhân rộng các xã nông thôn mới kiểu mẫu, mang tới bức tranh tươi sáng cho nhiều miền quê...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thêm những miền quê đáng sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.