Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm một chìa khóa giải mã “hiện tượng” Dan Brown

Hoàng Mai| 22/03/2010 07:12

(HNM) - Điều gì khiến Dan Brown nổi tiếng trên toàn thế giới? Điều gì khiến mỗi tác phẩm của ông khi xuất hiện là một sự kiện lớn đối với độc giả toàn cầu? Điều gì khiến mỗi quy trình in ấn, xuất bản một tác phẩm mới của Dan phải được canh phòng tuyệt mật như những báu vật quốc gia?


Cuốn sách được Dan Brown thai nghén suốt 5 năm, là sự kết hợp giữa hư cấu và thực tế, khoa học và đức tin, mật mã và giải mã. Sau Vatican, Tilluminati trong "Thiên thần và Ác quỷ", sau hành trình theo Chén thánh trong "Mật mã Da Vinci", lần này Robert Langdon phiêu lưu trong 12 giờ đầy nghẹt thở cùng Hội Tam điểm (M-A-S-O-N) ngay tại thủ đô Washington của nước Mỹ. Tuy vậy, không gian, thời gian tiểu thuyết lại được xây dựng trên kí ức và hoạt động tinh thần của nhân vật bao trùm cả chiều dài lịch sử, triết học, tôn giáo, nghệ thuật, giả kim và lý luận.

Điều thúc đẩy độc giả đọc ngấu nghiến tác phẩm của Dan Brown (như New York Times từng cảnh báo: "Đã cầm quyển sách trên tay thì không cách nào thả nó xuống") không phải là kết quả cuối cùng mà là ở những nút thắt tinh vi và cách phá giải xảo diệu. Hai yếu tố cộng sinh, lồng hết bí ẩn hư cấu nọ vào bí ẩn hư cấu kia, tạo ra một ma trận mê hồn giam hãm phán đoán. Ở tác phẩm mới này, buộc nút và cởi nút là phương tiện thể hiện rõ nhất công phu nghiên cứu của Dan. Ông giới thiệu minh bạch hóa đủ mọi ám thị và biểu tượng trong nhiều lĩnh vực, từng tình tiết đều gây nên ở người đọc sự tò mò cũng như ngỡ ngàng cao độ. Khi gấp cuốn sách lại, cái mà ta thu lượm được sẽ nhiều hơn một cuốn tiểu thuyết trinh thám bình thường có thể đem lại. Từ đó độc giả cũng sẽ được tự mình kiểm chứng và thêm một lần nữa khẳng định những gì mà Dan Brown đã làm được trên thế giới.

Ngay từ khi xuất hiện thông tin về "The lost symbol", nhiều đơn vị xuất bản Việt Nam đã xúc tiến mua bản quyền. Nhưng cuối cùng "chiến thắng" thuộc về Công ty IPM. Sau hơn 6 tháng, 5.000 cuốn "Biểu tượng thất truyền" vừa ra mắt độc giả qua phần chuyển ngữ của dịch giả trẻ Nguyễn Xuân Hồng. Nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư (cùng biên tập cuốn sách với dịch giả Đào Bạch Liên) cho biết, lần đầu tiên đọc tác phẩm của Dan Brown, bà đã rất bất ngờ bởi cách dẫn dắt vào mê lộ của những biểu tượng mà tác giả tạo ra, rất khó phân biệt là thật hay hư cấu. Phần đầu cuốn sách hơi dài, nhưng phần sau thì cực kỳ cuốn hút với tiết tấu dồn dập. Dịch giả Nguyễn Xuân Hồng ý thức được rằng, dịch nhiều khi là "giết", nhưng dịch cũng có thể là sáng tạo, bởi vậy, anh chia sẻ rất chân thành: "Lần đầu tiên được dịch một tác phẩm đồ sộ của thế giới nên tôi cũng khá lo lắng. Tôi cố gắng tự mình đi tìm kiếm, giải thích những câu, những thuật ngữ khó, dù đôi khi cũng phải trao đổi với mọi người xung quanh". Anh đã phải dùng tới 108 chú thích để giải thích nội dung trong gần 700 trang sách (khổ 16x24cm).

Tại Mỹ, "The lost symbol" đã in liền 6 triệu bản trong lần ấn hành thứ nhất, bán hết 1 triệu bản chỉ trong buổi phát hành đầu tiên, liên tục dẫn đầu trong bảng xếp hạng best seller của New York Times từ lúc sách chưa phát hành đến giờ. Tiểu thuyết này cũng đã được hãng phim Columbia Pictures của Hollywood mua để chuyển thành tác phẩm điện ảnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thêm một chìa khóa giải mã “hiện tượng” Dan Brown

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.