(HNM) - Dự án Công viên hồ điều hòa Nhân Chính đang bước vào những chặng cuối cùng. Hạng mục cây xanh, hồ nước, đường dạo lát đá đã hoàn tất, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân về một
Nhiều người nói Công viên hồ điều hòa Nhân Chính như một "lá phổi" xanh bởi giá trị vô cùng to lớn với đời sống đô thị mà mảng xanh này mang lại. Công viên được xây dựng trên khu đất rộng 13,2ha thuộc phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) và một phần thuộc phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy), bao quanh là nhiều dự án chung cư cao cấp, thương mại lớn.
Sau khi hoàn thành, Công viên hồ điều hòa Nhân Chính sẽ đáp ứng kỳ vọng của người dân về một “lá phổi” xanh rộng lớn. Ảnh: Toàn Vũ |
Anh Nguyễn Anh Xuân, nhân viên một sàn giao dịch bất động sản cho biết, khi dự án công viên triển khai, giá trị các căn hộ cũng tăng lên trông thấy. Với người dân khu vực này, giá trị của dự án công viên hiện hữu ở những khía cạnh khác. Bác Lê Tâm, sống tại chung cư Mandarin Garden hào hứng nói: "Ngày nào tôi cũng đi bộ tập thể dục và đều ghé qua đây. Khi thấy công viên sắp hoàn thành, tôi phấn khởi lắm. Người dân khu vực này sẽ có địa chỉ lý tưởng để tập thể dục và vui chơi mỗi ngày".
Dẫn chúng tôi đi quanh một vòng công viên, anh Ưng Trọng Nghĩa, cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Thanh Xuân giới thiệu, công viên hồ điều hòa Nhân Chính (Công viên Thanh Xuân) là công trình hạ tầng kỹ thuật cấp I do UBND quận Thanh Xuân làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư là 298,74 tỷ đồng. Được khởi công ngày 8-5-2016, đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành để bàn giao đưa vào sử dụng phục vụ nhân dân. Công trình được chia làm 2 khu chức năng: Hồ điều hòa diện tích khoảng 8ha, giữa hồ là công trình đài phun nước theo hình dáng búp sen, kết hợp với hệ thống ánh sáng đèn LED. Và phần hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh, đường dạo khoảng 5,23ha. Chỉ về cổng phía mặt đường Hoàng Minh Giám, anh Nghĩa ví von: "Đó là dáng hình con chim hạc cách điệu kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Đây được xem là biểu tượng đẹp của Công viên Thanh Xuân. Còn trong công viên, công trình nhà điều hành được xây 2 tầng, phục vụ công tác quản lý, vận hành công viên, có kiến trúc cong mềm mại, là điểm nhấn của công viên. Xung quanh đường dạo là các công trình nhà thuyền, bến tàu, chòi nghỉ, cụm tiểu cảnh, quảng trường phục vụ nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, lễ hội, thể thao ngoài trời và các sự kiện văn hóa".
Toàn bộ hệ thống cây xanh từ thảm cỏ, cây bụi, cây viền, cây cảnh đến các cây thân gỗ, cây đô thị đã được trồng đồng bộ. Theo anh Nghĩa, tổng số lượng cây xanh trong công viên là hơn 1.300 cây, trong đó số thân gỗ là 628 cây như chò chỉ, muồng hoàng yến, phượng, sấu, lát hoa, xà cừ, liễu, giáng hương, bàng lá nhỏ, móng bò tím, long não, sao đen, đa, bồ đề, lộc vừng, xoài, hoàng lan, hoa anh đào... Bảo đảm sau 2 năm sinh trưởng, hệ thống cây sẽ phủ xanh toàn bộ đường dạo công viên.
Hiện chỉ còn một phần đất nằm trong khuôn viên để xây dựng bãi đỗ xe 5 tầng hầm kết hợp thương mại dịch vụ đang chờ triển khai. Theo quy hoạch và thiết kế được duyệt, mặt tiếp giáp tuyến đường Khuất Duy Tiến, xây dựng tuyến cống ngầm, cống hóa mương Hòa Mục và xây dựng đường dạo, bồn cây để trồng hoa, cây xanh, thảm cỏ. "Nhưng do một số hộ dân có đơn kiến nghị về công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3 từ năm 2006 (Thanh tra thành phố đang thụ lý hồ sơ) nên việc thi công cống hóa mương Mễ Trì, đoạn qua dự án xây dựng công viên tạm thời chưa triển khai" - anh Nghĩa cho biết - "Khi việc này được giải quyết, chúng tôi sẽ bảo đảm tiến độ xây dựng trong 45 ngày và đưa công viên vào phục vụ nhân dân".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.