Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm không gian văn hóa công cộng

Tuyết Minh| 02/07/2017 07:20

(HNM) - Thông tin về chủ trương khôi phục các vòm cầu đã bị bịt kín ở đường sắt trên phố Phùng Hưng, phố Gầm Cầu thu hút sự quan tâm, ủng hộ của người dân, đặc biệt với người dân sống quanh khu vực. Các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, kiến trúc… cũng đánh giá cao và khẳng định ý tưởng này hoàn toàn khả thi, góp phần tạo thêm không gian văn hóa công cộng, du lịch ở Thủ đô.

Việc đục thông các vòm cầu đường sắt hoàn toàn có tính khả thi, góp phần tạo thêm điểm nhấn văn hóa, du lịch ở Thủ đô văn hiến. Ảnh: Nhật Nam


Người dân ủng hộ

Ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm - đơn vị lập dự án cho rằng, đây là một ý tưởng táo bạo, mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là tại khu vực hai phố: Phùng Hưng và Gầm Cầu… UBND quận Hoàn Kiếm đã xác định đây là một di sản đô thị, khác với di sản bảo tồn. “Cải tạo di sản đô thị là đưa một cuộc sống mới vào đó”, ông Phạm Tuấn Long bày tỏ. Dự kiến, sau khi đục thông các vòm, sẽ cải tạo thành không gian văn hóa công cộng như phố sách, cà phê sách, các hoạt động nghệ thuật, hội họa…, phục vụ nhu cầu của người dân, du khách tham quan… Đây cũng là việc đã được người Pháp thực hiện từ lâu ở các vòm cầu, thậm chí có tuổi đời còn cao hơn các vòm cầu ở Hà Nội. Cụ thể, họ “biến” đây thành các gian phòng để trưng bày, triển lãm tranh hay dạy nhạc cho trẻ em...

Đa phần người dân tại khu vực đường Phùng Hưng đều ủng hộ ý tưởng táo bạo này. Ông Trịnh Xuân Anh, nhà số 99 Phùng Hưng phấn khởi cho biết: “Sinh ra và lớn lên ở nơi đây, chứng kiến sự đổi thay từng ngày của con phố, tôi và người dân rất ủng hộ ý tưởng này. Việc đục thông các vòm cầu giúp kết nối người dân ở 2 khu phố với nhau sau nhiều năm “gần nhà xa ngõ” và thuận tiện hơn trong việc trao đổi hàng hóa, buôn bán”.

Tương tự, người dân sống ở khu phố Gầm Cầu cũng tán thành ý tưởng này. Bà Nguyễn Thanh Thủy, nhà số 21 phố Gầm Cầu cho biết: “Tôi thấy đa phần người dân nơi đây đều vui mừng khi nghe tin thành phố sẽ đục thông vòm cầu. Việc mở vòm cầu sẽ xóa đi những điểm đen trông giữ xe gây mất mỹ quan đô thị. Ngoài ra, việc biến các vòm cầu Phùng Hưng thành không gian văn hóa lành mạnh cũng có nghĩa là tạo thêm một nét đẹp riêng cho thành phố”.

KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên BCH Hội KTS Hà Nội, thành viên Hội đồng khoa học, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Viện Kiến trúc quốc gia khẳng định, việc đục thông các vòm để tạo không gian sinh hoạt văn hóa công cộng cho người dân là một ý tưởng rất hay. Là một người yêu Hà Nội, ông hết sức ủng hộ.

Bảo đảm an toàn, tính khả thi cao


Về một số băn khoăn như có bảo đảm an toàn giao thông khi đục thông vòm cầu, có cần gia cố công trình (vì các vòm cầu đã được xây dựng từ hơn 100 năm)…, ông Phạm Tuấn Long cho biết: “Chúng tôi đã tham khảo kinh nghiệm của thành phố Paris của Pháp. Các vòm cầu đá của họ còn có tuổi đời lâu đời hơn ở ta rất nhiều”. Tuy vậy, để biến ý tưởng thành hiện thực, theo ông Phạm Tuấn Long, cần có thời gian nghiên cứu cẩn trọng, tham vấn các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ý kiến của Bộ Giao thông - Vận tải. Đây là dự án khó, do vậy thành phố mong nhận được sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành vì sự phát triển của Hà Nội.

Kỹ sư kết cấu Lê Minh Đức, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khẳng định: “Kết cấu vòm là kết cấu an toàn nhất trong các kết cấu và các vòm cầu này lại được xây bằng đá từ thời Pháp nên rất chắc chắn”. Trước đây, các vòm cầu này thông nhưng sau đó vì tình trạng mất vệ sinh, mất an ninh trật tự tại khu vực nên Hà Nội mới tiến hành bịt kín. Do đó, việc đục thông, khôi phục lại các vòm cầu không làm ảnh hưởng đến kết cấu cũng như độ an toàn của đường sắt. “Trong một ngôi nhà, nếu ban đầu ta đã tính đến việc đặt cửa sổ thì sau này, dù ta lắp cửa sổ bằng vật liệu khác nhau như gỗ, khung kính… hoặc bịt cửa sổ này lại thì cũng không gây ảnh hưởng đến kết cấu chung của ngôi nhà”, kỹ sư Lê Minh Đức ví von. Tuy nhiên, ông lưu ý, cũng cần cẩn trọng và nghiên cứu kỹ khi đục thông vòm cầu để việc phá dỡ và thi công không gây ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực.

Về những băn khoăn nhằm bảo đảm an ninh, trật tự khi các vòm cầu được đục thông và tổ chức các hoạt động văn hóa công cộng, ông Phạm Tuấn Long cho biết, những nội dung này đã được tính đến, cũng như sẽ tiếp tục được nghiên cứu để tìm giải pháp tối ưu. Quận Hoàn Kiếm đang xem xét các phương án bãi đỗ xe trong khu vực và toàn quận để đáp ứng nhu cầu người dân; xây dựng phương án bảo đảm an ninh, trật tự… nhằm biến nơi đây thực sự trở thành một không gian văn hóa, “điểm đến” ấn tượng của du khách trong nước và quốc tế.

Khảo sát hiện trạng các vòm cầu của UBND quận Hoàn Kiếm: hiện có tổng số 130 vòm được đánh số từ 2 đến 131, kéo dài từ ngã tư Cửa Đông - Phùng Hưng đến Ga Long Biên. Trong đó có 126 vòm bị bịt kín, 4 cầu mở làm đường đi. Khu vực quanh các vòm cầu bị một số hộ chiếm dụng. Vỉa hè hai bên bị “tận dụng” làm bãi để xe, chỗ tập kết hàng hóa... gây mất mỹ quan đô thị. Dự kiến, nếu cải tạo toàn bộ cả trong lòng (19-22m2/1 vòm) và vỉa hè, sẽ có phần diện tích hơn 7.000m2 dành cho sinh hoạt văn hóa công cộng ở thành phố.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm không gian văn hóa công cộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.