(HNM) - Hàng trăm cửa hàng đóng cửa, kèm theo nhiều thông báo cho thuê nhà, sang nhượng cửa hàng. Đó là thực tế tại các khu vực kinh doanh buôn bán sầm uất, các tuyến phố chính trên địa bàn Hà Nội. Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng đã và đang tìm giải pháp hỗ trợ các hộ kinh doanh, chủ sử dụng lao động... vượt qua "cơn bão" dịch Covid-19, đồng thời hạn chế ảnh hưởng đến kinh tế của Hà Nội.
Liêu xiêu trước "cơn bão" dịch bệnh
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới ngày 10-8, các tuyến phố rơi vào tình cảnh ảm đạm nhất là ở khu vực phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm. Dọc phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai, Lương Văn Can… mỗi phố có khoảng 20 cửa hàng đóng cửa, treo băng rôn, biển quảng cáo cho thuê nhà hoặc chuyển nhượng. Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ nhà số 20A Hàng Ngang cho biết, dù đã thông báo giảm giá tiền thuê nhà 20% từ đầu năm đến nay nhưng không có ai thuê.
Khác với chị Hoa, chị Lê Thu Huyền, 92 Hàng Đào lại sốt sắng đăng thông báo chuyển nhượng cửa hàng quần áo vì đã ký hợp đồng thuê nhà 1 năm. Dịch Covid-19 khiến cửa hàng ế ẩm, chị Huyền đăng thông tin chuyển nhượng để thu hồi vốn nhưng chưa có ai hỏi.
"Chịu trận" nặng nhất là các phòng vé, điểm đặt tour du lịch, khách sạn, homestay tại khu vực phố cổ... Trong số 60 cơ sở kinh doanh loại hình này trên địa bàn phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) thì có tới 40 cơ sở phải đóng cửa từ đầu mùa dịch. Tại các phường khác của quận Hoàn Kiếm, nhiều khách sạn cũng buộc phải trả lại mặt bằng do không trụ nổi chi phí thuê cao. Chỉ có số ít chủ khách sạn cầm cự được do kinh doanh tại nhà.
Khó khăn trên cũng diễn ra tại các cửa hàng ở những tuyến phố như: Nguyễn Thái Học, Tôn Đức Thắng, Chùa Bộc, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Xuân Diệu, Tô Ngọc Vân, Thụy Khuê, Vĩnh Tuy… mặc dù trước đây những nơi này khá sầm uất. Có thể điểm qua các cửa hàng như 191 Xuân Thủy sẵn sàng giá nào cũng bán để trả mặt bằng; số 101 Xuân Thủy, số 20, 64, 66 Tôn Đức Thắng, số 4 Cát Linh… đã trưng biển cho thuê nhà từ nhiều ngày qua.
Đánh giá nguyên nhân làn sóng trả mặt bằng cho thuê hiện nay, Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ Dương Việt Hùng cho rằng, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã kéo theo nhiều hệ lụy như vắng khách, chi phí thuê mặt bằng trở nên đắt đỏ so với trước khi xảy ra dịch, vì thế nhiều cửa hàng phải đóng cửa.
Thêm nhiều giải pháp hỗ trợ
Trước tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19, các cấp, ngành, địa phương của Hà Nội đang tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở phục hồi sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động.
Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân Lâm Văn Thảo cho biết, đã xuất hiện tình trạng nhiều cửa hàng chuyển nhượng hoặc trả mặt bằng trên địa bàn. Với mong muốn các hộ tiếp tục kinh doanh, UBND phường đang tạo mọi điều kiện hỗ trợ các hộ trong xác nhận giấy tờ làm các thủ tục, hồ sơ vay vốn hay hợp thức hóa điều kiện kinh doanh…
Còn theo Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) Trần Nam Sơn, cán bộ phường nhiều lần động viên các chủ nhà điều chỉnh lại giá mặt bằng, hỗ trợ tiền điện, nước cho người thuê nhà.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung cũng khẳng định, UBND quận tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ các hộ kinh doanh theo quy định của Chính phủ và thành phố, tạo điều kiện tối đa để các chủ hộ tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi.
Trao đổi thêm về việc này, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Nguyễn Tiến Trường thông tin: "Với những diễn biến mới phức tạp của dịch Covid-19, Cục sẽ tiếp tục rà soát tình hình hoạt động kinh doanh của các hộ để hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, trong đó trước mắt tiếp tục thực hiện miễn tiền chậm nộp, gia hạn nộp thuế... giúp doanh nghiệp bớt áp lực về thuế".
Còn theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân, tháng 6-2020, Sở đã rà soát và thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng cho các hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm theo Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ngoài ra, Sở cũng đã và đang hướng dẫn các địa phương hỗ trợ người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Liên quan đến vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành văn bản hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các địa phương tiếp tục thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất tối đa đến hết tháng 12-2020 đối với chủ sử dụng lao động vẫn gặp khó khăn do đại dịch.
Trước diễn biến mới của dịch Covid-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có Tờ trình gửi Chính phủ, đề xuất mở rộng đối tượng thụ hưởng, sửa đổi điều kiện vay vốn, kéo dài thời hạn cho người sử dụng lao động vay đến hết tháng 12-2020.
Hy vọng với những chính sách hỗ trợ đã, đang và sẽ triển khai của các cơ quan chức năng phần nào giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh, chủ sử dụng lao động vượt qua khó khăn, duy trì tốt hoạt động và việc làm cho người lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.