Văn hóa

Thêm đẹp văn hóa hội làng...

Nguyễn Mai 08/03/2024 - 07:18

Những năm gần đây, cùng với đời sống kinh tế ngày một đi lên, việc chăm lo làm giàu đời sống tinh thần, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng.

Điều này không chỉ đưa công tác quản lý và tổ chức lễ hội, đặc biệt là hội làng ngày càng trở nên quy củ, hấp dẫn hơn, mà còn góp phần bảo tồn, làm giàu thêm nét đẹp văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng dân cư, nhất là trong bối cảnh các làng quê đang xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

luc-luong-chuc-nang-ho-tro-.jpg
Lực lượng chức năng hỗ trợ bảo đảm an toàn cho người dân khi tổ chức lễ hội truyền thống trên sông Hồng tại làng chài Vạn Vỹ (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng).

Làng quê náo nức vào hội

Những ngày giữa tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024, người dân làng Hạ Mỗ, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng tưng bừng mở hội tưởng nhớ công đức của Thành hoàng làng. Trong suốt 3 ngày diễn ra lễ hội có nhiều hoạt động ý nghĩa. Ngày đầu tiên là các tiết mục biểu diễn trống hội tại sân đình. Sau đó là lễ rước kiệu cỗ của 4 cụm dân cư 5, 6, 7 và 8, rước Thành hoàng làng từ miếu Hàm Rồng về đình Vạn Xuân. Ngày thứ hai, địa phương tổ chức lễ dâng hương. Ngày thứ ba là lễ rước kiệu của cụm dân cư 1, 2, 3 và 4, rước Thành hoàng làng từ đình Vạn Xuân về lại miếu Hàm Rồng...

Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ Đinh Thị Ngân thông tin, bên cạnh phần lễ, hội làng Hạ Mỗ còn có nhiều trò chơi dân gian như thi nấu cơm, chọi gà, đập niêu, cờ tướng..., thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Lễ hội truyền thống làng Hạ Mỗ hằng năm được chuẩn bị chu đáo, bảo đảm trang trọng, phát huy được bản sắc của địa phương, đúng phong tục, tập quán, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc cho nhân dân.

Cũng trong những ngày đầu năm Giáp Thìn, người dân thôn Bài, xã Yên Bài, huyện Ba Vì tổ chức lễ đón Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố và khai hội truyền thống đình Đân. Đây là ngôi đình của đồng bào dân tộc Mường, thờ Đức Thánh Tản Viên. Trong ngày lễ hội, dân làng sửa soạn những vật phẩm thơm ngon, tinh khiết nhất dâng cúng nhằm tạ ơn Đức Thánh đã phù trợ cho nhân dân một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Cùng với phần lễ, phần hội đình Đân không thể thiếu màn tấu cồng chiêng âm vang và nhiều trò vui dân gian được đồng bào truyền qua bao thế hệ....

Bà Man Thị Thanh, người dân thôn Bài phấn khởi cho biết, thôn có hơn 200 hộ, ngày hội làng, thôn đã sửa soạn 100 mâm cỗ. Sau khi dâng cúng Thánh, nhân dân cùng thụ lộc với niềm vui hân hoan, đoàn kết.

Mỗi lễ hội trên địa bàn thành phố đều mang một sắc thái, ý nghĩa riêng, song khi hòa vào “dòng chảy lễ hội” của quê hương, đất nước, có thể thấy điểm chung nổi bật là nét đẹp của đạo lý "uống nước nhớ nguồn", gắn bó mật thiết với đời sống tâm linh, tín ngưỡng. Đây cũng chính là mạch nguồn văn hóa, nơi bảo lưu, trao truyền những giá trị truyền thống tốt đẹp qua nhiều thế hệ người Việt.

Gìn giữ nét đẹp văn hóa

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Kính, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) khẳng định, lễ hội đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân. Đó là những ngày người dân ngưng nghỉ sản xuất, mặc những bộ quần áo đẹp nhất, chuẩn bị những thức ăn ngon nhất, hòa mình vào cộng đồng để cùng tưởng nhớ những người đã có công với dân, với nước. Lễ hội là thời điểm “mạnh” của đời sống cộng đồng, khi mọi người được thăng hoa, chung một niềm vui tương đồng, cộng cảm...

Những năm gần đây, các lễ hội được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền các cấp và cơ quan chức năng, đã diễn ra bài bản, an toàn hơn theo đúng phong tục truyền thống. Chẳng hạn, những ngày đầu năm Giáp Thìn 2024, người dân làng chài Vạn Vỹ, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng tổ chức lễ hội truyền thống trên sông Hồng. Để bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến sông, Đội Cảnh sát giao thông đường thủy số 1, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã bố trí lực lượng, phương tiện, phao cứu sinh, cứu đắm, phân luồng giao thông. Trong lễ hội, các tổ tuần tra trên sông luôn bám sát bảo vệ, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống đột xuất xảy ra.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, văn hóa là một trong những tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới và cũng nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Hội làng trở thành động lực to lớn, tác động mạnh mẽ tới đời sống tinh thần, khơi dậy niềm tự hào trong mỗi người về quê hương. Nhờ đó, hội làng góp phần nâng cao ý thức của các thế hệ trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp.

Như ông Trần Minh Nhương, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, chia sẻ: “Ở xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, dù đô thị hóa, nhưng vẫn giữ được 3 yếu tố: Cây đa, giếng nước, sân đình; các lễ hội truyền thống vẫn diễn ra đúng như phong tục xưa. Bên cạnh đó, tôi tin rằng, tiến trình đô thị hóa sẽ tạo ra nhiều cơ hội để người dân tiếp cận với nếp sống văn hóa mới, xây dựng đời sống văn minh, hiện đại hơn”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thêm đẹp văn hóa hội làng...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.