(HNM) - Quyết định không tăng sản lượng để giữ giá dầu cao từng khiến Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) rơi vào bất đồng đã bị phá vỡ. Quyết đưa giá dầu xuống thấp, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) vừa tuyên bố sẽ tung ra thị trường 60 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ chiến lược của 28 quốc gia thành viên.
Trong đợt "xả hàng" đột ngột này, Washington đi tiên phong với 30 triệu thùng, 30% là do châu Âu đảm nhận và phần còn lại thuộc các nước khu vực Thái Bình Dương.
Dù các nhà máy sản xuất dầu đã làm việc hết công suất vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. |
Đón nhận đợt tiếp dầu gây sốc này, thị trường năng lượng toàn cầu lập tức chấn động và tụt dốc như dự báo. Giá dầu đã "bốc hơi" tới 6 USD/thùng ngay trong phiên giao dịch ngày 23-6, khi tin tức về lần mở kho đầu tiên trong 6 năm qua của IEA được đưa ra. Nhanh chóng xóa đi những bước tăng trước đó, chốt tuần, các hợp đồng dầu ngọt nhẹ trên sàn New York giảm 2,4% so với tuần trước, xuống còn 91,16 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm nay. Biểu đồ giá ngừng ở ngưỡng 105,12 USD/thùng, dầu Brent cũng chạm đáy của 4 tháng khi mất đi 7,1% giá trị trong vòng một tuần.
Xu hướng dầu mỏ giảm giá được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục trong những ngày tới sau động thái bơm dầu bất ngờ ra bên ngoài lần thứ ba trong lịch sử của IEA. Bước đi được giới tài chính quốc tế đánh giá là "đúng điểm rơi" của IEA, Nhà Trắng và châu Âu khi giá nhiên liệu đã giảm 16% so với đỉnh cao hồi tháng 4 vừa qua, khiến dầu thô khó sớm ngược dòng do các nhà đầu tư buộc phải rút chân để bảo toàn dòng vốn. 60 triệu thùng không phải là quá lớn nếu so với lượng dự trữ 4,1 tỷ thùng đang được cất giữ ở khắp các quốc gia thành viên của tổ chức này. Tuy nhiên, với biện pháp quyết liệt trong bối cảnh dầu thô đã giảm 3 tuần liên tiếp, các cường quốc dầu mỏ thế giới vừa phát đi thông điệp sẵn sàng sử dụng những công cụ sẵn có để can thiệp vào thị trường một khi nguy cơ từ giá cả vẫn hiện hữu. Cả IEA và Mỹ cũng như châu Âu đều cho rằng không thể chỉ trông đợi vào sự "động lòng" của OPEC khi bất ổn ở Trung Đông và chiến sự tại Libya chưa ngã ngũ đang từng ngày tạo sức ép về nguồn cung. Đến hết tháng 5, cuộc chiến đang gây tranh cãi ở đất nước Bắc Phi đã "rút ruột" thị trường tới 132 triệu thùng dầu chất lượng cao nhất hành tinh. Trong khi đó, hứa hẹn tăng sản lượng để bù đắp thiếu hụt dường như đã quá sức với người "anh cả" của OPEC là Saudi Arabia.
Thế nhưng, vấn đề cũng nằm ở đây. Sau những phản ứng đầy mãn nguyện trước khả năng giá dầu sẽ dễ thở trong một thời gian đáng kể, một bất an mơ hồ đã xuất hiện từ quyết sách mở kho dầu chiến lược vốn chỉ được các nước thực hiện trong điều kiện khẩn cấp. Một sự thật không thể né tránh là nguồn cung dầu cho thế giới đã có những hạn chế về cấu trúc. Không chỉ OPEC mà cả nhóm nước ngoài tổ chức này, hiện cung ứng 57% tổng sản lượng nhiên liệu toàn cầu, cũng đã hoạt động hết công suất. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng nếu có thêm bất kỳ sự gián đoạn nào nữa về nguồn cung thì lượng dầu dự trữ của các nước sẽ khó mà cầm cự được lâu. Theo thống kê, các thành viên của IEA hiện đang có lượng dự trữ dầu là 146 ngày, vượt con số 90 ngày như quy định đã cam kết.
Do đó, bắt đầu có dự báo rằng cuộc tung nguồn lực dự trữ chiến lược sẽ khó giữ chân được giá dầu trong thời gian dài. Dự báo này được xác nhận khi OPEC không ngần ngại tuyên bố sẽ thắt chặt nguồn cung để trả đũa IEA, Mỹ và châu Âu đã chơi "bài dầu" theo cách của riêng mình. Trên thực tế thì 60 triệu thùng dầu cũng chỉ đủ cho thế giới tiêu thụ trong 17 giờ. Vì vậy, đã xuất hiện những chỉ trích từ phe đối lập tại Mỹ rằng mở kho dầu dự trữ chỉ là một trò chơi nhất thời của ông chủ Nhà Trắng trước mùa bầu cử Mỹ năm 2012.
Dù với nguyên do gì thì nỗ lực để hạ giá dầu cũng đã được đông đảo người dân các quốc gia đón nhận với thái độ tích cực như một hành động cần thiết trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Không loại trừ ai, tất cả các quốc gia đều đang cần một mặt bằng giá năng lượng "dễ thở" nhằm hỗ trợ tăng trưởng giữa lúc nền kinh tế toàn cầu đang chập chờn giữa phục hồi và suy thoái. Trong bối cảnh như vậy, tìm được một tiếng nói chung nhằm điều tiết thị trường nhiên liệu - nhất là dầu thô - vì lợi ích phổ biến và lâu bền cho sự ổn định của thế giới thật không dễ dàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.