Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm bài học về trách nhiệm xã hội

Đan Nhiễm| 23/03/2013 05:10

(HNM) - Sau 10 năm chờ đợi, ngày 19-3, dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nguyễn Công Trứ (Hà Nội) chính thức được khởi động thông qua việc xây dựng nhà N3 trên nền đất cũ của chung cư A1, A2 với diện tích đất gần 5.000m2.



Quan trọng hơn như chủ đầu tư khẳng định, thời gian tới, việc cải tạo khu tập thể này không chỉ dừng ở một số đơn nguyên có vị trí đắc địa mà là cam kết xây mới toàn khu gồm 14 nhà chung cư - điều khó xảy ra đối với các dự án khác.

Sự kiện trên là niềm vui của hàng trăm hộ gia đình, trong đó có những người đã sống ở đây nửa thế kỷ, vốn đã quá quen với sự xập xệ theo thời gian của khu nhà này. Hơn thế, đó còn là niềm hy vọng tìm ra cách giải quyết hợp tình, hợp lý cho hàng vạn hộ gia đình khác có cùng cảnh ngộ sống ở những khu chung cư có "tuổi thọ" tương đương như: Giảng Võ, Quỳnh Mai, Thành Công, Kim Liên, Trung Tự... từ hàng chục năm nay phải sống trong những căn hộ diện tích nhỏ hẹp, đèo thêm "chuồng cọp", thiếu không gian sinh hoạt; hạ tầng điện, nước, viễn thông... đã quá lạc hậu.

Quả thật, hành trình 10 năm để giải quyết hàng loạt vấn đề về cơ chế chính sách, hài hòa lợi ích của ba bên: nhà quản lý (bài toán giảm tải sức ép đô thị, diện mạo đô thị), nhà đầu tư (có lợi nhuận), người dân (có nơi ở mới tốt hơn) là công việc không hề đơn giản. Riêng điều này đã cho thấy trách nhiệm của chính quyền TP, chủ đầu tư lớn nhường nào. Quan trọng nhất là bằng sự vào cuộc kiên trì, có tình, có lý của các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương để tìm được tiếng nói chung với cư dân sở tại. Thiếu cơ chế, khúc mắc ở đâu đều thông qua đối thoại để tìm giải pháp tháo gỡ, được nhân dân sở tại đánh giá cao về tính công khai, dân chủ.

Và, 10 năm ròng rã ấy đã bước đầu mang lại "trái ngọt" khi chủ đầu tư xây dựng lại khu tập thể Nguyễn Công Trứ cam kết, sau khoảng 30-36 tháng, sẽ có khoảng 270 hộ gia đình được nhận nhà mới. Cùng với đó, chủ đầu tư cũng cam kết bảo đảm hạ tầng khu vực sẽ tốt hơn. Theo đó, người dân không phải đối mặt với tình trạng thiếu trường, thiếu chợ, thiếu cơ sở y tế, giáo dục... vốn tồn tại ở hầu khắp các khu đô thị được cho là hiện đại nhất hiện nay.

Tuy nhiên, đằng sau niềm vui của cư dân khu tập thể Nguyễn Công Trứ còn là trách nhiệm đặt lên vai cấp ủy, chính quyền TP là làm sao để sớm áp dụng kinh nghiệm thành công này ra toàn địa bàn? Bởi vì, những năm gần đây, đặc biệt là khi thị trường bất động sản sôi động, trên địa bàn thành phố có không ít dự án cải tạo chung cư cũ được vẽ ra thật đẹp đẽ lại kéo theo đằng sau đó là hàng loạt những bất ổn tiềm ẩn. Đó là việc cải tạo chung cư được đánh đồng với việc thay thế bằng những cao ốc có số tầng cao gấp đôi, ba lần. Bởi không khó để ai cũng hiểu rằng, xây dựng nhà cao tầng phải gắn liền với phát triển hệ thống công trình hạ tầng đường giao thông, điện - nước, trường học, bệnh viện... Thay vì một đơn nguyên phá đi, nhà đầu tư sẽ xây mới tại đó một đơn nguyên với diện tích sàn tăng gấp mấy lần, nghĩa là dân số sẽ tăng hơn so với trước đây, và chính chúng ta sẽ phải đối mặt với nạn tắc đường, thiếu trường học, bệnh viện, chợ… vì những "thứ" đó không thể "mọc" thêm!... Bài học đó ở nhiều nơi đã rất thấm thía.

Từ những bất cập trên có thể thấy, việc đạt được đồng thuận trong triển khai dự án cải tạo xây dựng lại khu tập thể Nguyễn Công Trứ dẫu muộn cũng sẽ là tiền đề thuận lợi mở hướng thoát cho hàng loạt dự án cải tạo khu tập thể cũ của Hà Nội trong thời gian tới. Đó cũng chính là bài học đáng nhớ về sự đồng thuận và trách nhiệm xã hội của nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thêm bài học về trách nhiệm xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.