Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Thế trận" của lực lượng an ninh

Tuệ Diễm| 22/01/2018 06:15

(HNM) - Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, lực lượng an ninh nắm giữ vai trò quan trọng, luôn song hành và hỗ trợ đắc lực cho quân đội tác chiến.

Huế: Toàn lực lượng vào trận

Thiếu tướng Phan Văn Lai (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân, nguyên Chánh Văn phòng Ban An ninh khu Trị Thiên - Huế) vẫn nhớ như in thời khắc chuẩn bị cho chiến dịch cách đây 50 năm. Để chuẩn bị cho chiến dịch, Ban An ninh khu Trị Thiên - Huế và an ninh TP Huế đã bí mật đưa người vào nội thành nắm tình hình địch. Trong số này, nhiều chiến sĩ ta đã cài cắm được vào cơ quan đầu não của địch.

Đại tá Nguyễn Thị Thảo bên những tấm hình chụp thời còn hoạt động điệp báo ở Sài Gòn.


Trước ngày diễn ra Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chúng ta đã lập xong địa chỉ các cơ quan đầu não trọng yếu của Mỹ - ngụy từ ở từng khu phố, lập được danh sách nơi ở, tên cầm đầu, gian ác nhất trong bộ máy ngụy quyền, tình báo, cảnh sát cung cấp cho các Ban Chỉ đạo các mũi tiến công tiêu diệt địch. Toàn bộ các lãnh đạo an ninh khu Trị Thiên - Huế và an ninh TP Huế đều xuất trận. Trong đêm Giao thừa Tết Mậu Thân, mũi tiến công cánh Tây Nam tiến vào TP Huế nổ súng mở màn chiến dịch. Cuộc chiến diễn ra thuận lợi, đến 8h sáng ngày mùng 1 Tết âm lịch, các cánh quân đã chiếm lĩnh các mục tiêu trọng yếu như Tòa tỉnh trưởng, Ty bình định nông thôn, các cơ quan và nơi ở của cố vấn Mỹ đóng trên địa bàn.

Nhiệm vụ tiếp theo được cấp trên đặt ra cho lực lượng an ninh là phối hợp với bộ đội chiếm lĩnh nhà lao Thừa Phủ, giải thoát cho hơn 2.300 cán bộ, đảng viên, du kích bị giam cầm. Tối mùng 4 Tết, giữa cái rét lạnh căm, đồng chí Nguyễn Đình Bẩy - Phó Trưởng ban An ninh khu quyết định triệu tập một cuộc họp khẩn cấp toàn đơn vị tại sân trường Đồng Khánh để lên kế hoạch giải phóng nhà lao Thừa Phủ. Lực lượng mũi tấn công này có một tiểu đoàn quân chủ lực số hiệu 815, 1 tiểu đoàn đặc công, 1 đại đội biệt động, 1 phân đội trinh sát vũ trang TP Huế và một số cán bộ an ninh khu. Đúng 3h sáng mùng 5 Tết (tức ngày 4-2-1968) tiếng súng báo hiệu tấn công nhà tù được phát ra, chưa đầy 30 phút sau ta giải phóng được nhà lao Thừa Phủ. Đến 5h sáng, 500 thanh niên, bộ đội, du kích vừa thoát khỏi ngục tù có sức khỏe tốt được bổ sung ngay cho bộ đội và lực lượng an ninh tiếp tục cuộc chiến đấu trong thành phố. Số còn lại được chuyển về đào tạo ở hậu phương chuẩn bị cho chiến dịch mới.

Sài Gòn: Quyết chiến cầm chân địch để bảo vệ Bộ Tư lệnh tiền phương II

Tại khu Sài Gòn - Gia Định, lực lượng an ninh T4 gồm điệp báo, an ninh nội đô, trinh sát vũ trang, lực lượng bảo vệ vũ trang tập trung dốc toàn lực cho chiến dịch đặc biệt với các nhiệm vụ chi tiết: Bộ phận điệp báo hoạt động bí mật thu thập thông tin, cài cắm người vào cơ quan địch; lực lượng an ninh nội đô tổ chức những cơ sở bí mật thực hiện nhiệm vụ trấn áp bọn phản cách mạng; lực lượng trinh sát vũ trang với nhiệm vụ chính tiêu diệt bọn ác ôn, tay sai; lực lượng bảo vệ vũ trang có nhiệm vụ bảo vệ Thành ủy khu căn cứ.

Đại tá Nguyễn Thị Thảo (biệt danh Sáu Thảo, nguyên cán bộ điệp báo an ninh T4, nguyên Phó ban Chỉ huy an ninh, Công an TP Hồ Chí Minh) nhớ lại: Từ tháng 6-1967 cấp trên giao cho bà nhiệm vụ "mở đường" giao liên từ chiến khu D về Sài Gòn với yêu cầu phải thực hiện ngay. Tuyến đường giao liên đầu tiên về Sài Gòn qua quốc lộ 1 từ Tây Ninh được mở, Sáu Thảo tiếp tục mở tuyến đường từ chiến khu qua Củ Chi, Bình Dương đi quốc lộ 13 qua cầu Bình Lợi để tiến về Sài Gòn. Dự phòng khi bất trắc, những tuyến đường này bị phát hiện, bà còn mở đường dự phòng từ Bình Dương đi Biên Hòa rồi men theo xa lộ Biên Hòa về Sài Gòn. Khi tiếng súng chiến dịch Xuân Mậu Thân nổ ra, bà mới biết nhiệm vụ của chính mình là mở đường liên lạc để những đồng chí an ninh cài cắm nằm trong các cơ quan đầu não của địch đi ra gặp lãnh đạo trao đổi kế hoạch chiến dịch Xuân Mậu Thân và đưa các đồng chí trở về an toàn. Con đường liên lạc này duy trì đến khi ta giải phóng miền Nam mà không bị lộ, cụm điệp báo của Sáu Thảo không có chiến sĩ điệp báo nào bị phát hiện.

Theo Thiếu tá Lê Việt Bình (nguyên trinh sát vũ trang nội đô an ninh khu Sài Gòn - Gia Định), bước vào chiến dịch Xuân Mậu Thân, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy và Ban An ninh T4, lực lượng an ninh vào trận cùng với các lực lượng Thành đoàn, Hoa vận, Phụ vận, Tuyên huấn đã có nhiều thành tích nổi bật và cả những hy sinh to lớn. 2h sáng ngày mùng 1 Tết, 6 đồng chí trinh sát vũ trang nội đô (do đồng chí Tư Hưng chỉ huy) được giao nhiệm vụ đánh tòa nhà Đại sứ quán Philippines. Lực lượng an ninh dùng bộc phá nổ tung cổng sắt để tiến công vào đại sứ quán nhưng do cảnh sát dã chiến và biệt động quân được điều đến phối hợp với lực lượng bảo vệ đánh trả quyết liệt, các chiến sĩ an ninh của ta đã dũng cảm hy sinh.

Theo sự phân công của cấp ủy, Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định đã cử một đội an ninh vũ trang gồm 12 chiến sĩ làm nhiệm vụ mở đường đưa Bộ Tư lệnh tiền phương II (gồm các đồng chí Tư Trọng, Sáu Dân (tức Võ Văn Kiệt), đồng chí Tám Nam, đồng chí Hai Trúc...) vào sát Sài Gòn chỉ đạo chiến dịch. Khi lực lượng đang tiến sát vào thành phố thì đồng chí Sáu Dân nhận được tin báo kế hoạch bị lộ, buộc rút lui. Các chiến sĩ an ninh được giao nhiệm vụ kìm chân địch tại Chợ Thiếc - Trường đua Phú Thọ để Bộ Tư lệnh tiền phương II rút lui an toàn. Tại đây, họ dũng cảm chiến đấu 3 ngày đêm liên tục (từ mùng 2 Tết đến mùng 4 Tết), tiêu diệt tại chỗ 50 tên địch, bắn cháy 10 xe quân sự trong đó có 5 xe bọc thép, thu nhiều vũ khí, bẻ gãy cuộc tấn công của địch. Bị thiệt hại nặng nề, địch tăng cường lực lượng tiếp tục mở cuộc phản kích. Đến ngày mùng 5 Tết, 10 chiến sĩ an ninh đã hy sinh, chỉ còn 2 đồng chí lui về phòng ngự ở Nghĩa địa Phú Thọ Hòa, về sau địch truy đuổi, bắt được và thủ tiêu.

Sự hy sinh của 12 đồng chí an ninh đã bảo vệ an toàn cho Bộ Tư lệnh tiền phương II rút lui an toàn để chuẩn bị cho kế hoạch đợt tấn công tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Thế trận" của lực lượng an ninh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.