(HNM) - Không hoàn thành mục tiêu đoạt từ 4 đến 6 HCV, chỉ giành được 1 HCV vào ngày thi đấu áp chót trong tình thế những nội dung được
VĐV Lê Bích Phương (phải) thắng đương kim vô địch thế giới Kobayashi Miki (Nhật Bản) trong trận chung kết giành HCV tại ASIAD 16. Ảnh: Nhật Anh |
Những "hy vọng vàng" không thành "vàng"
Tại ASIAD 16, TTVN có hàng chục nội dung ở các môn thế mạnh như cờ vua, điền kinh, taekwondo, karatedo, wushu, bắn súng, cầu mây… được "quy hoạch" vào diện tranh chấp HCV. Nhưng ngoài trường hợp của Nguyễn Hoàng Ngân - nội dung kata (người đã bất ngờ chia tay ASIAD 16 vì gặp chấn thương sát thềm ngày hội thể thao lớn nhất châu Á khai mạc), karatedo được dự báo có tới 70 đến 80% khả năng đoạt HCV, những nội dung còn lại đều chỉ có từ 30 đến 50% khả năng.
Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng (điền kinh) dù có bước tiến dài về chuyên môn trong 4 năm qua và đều là những VĐV rất giỏi, nhưng hy vọng đoạt HCV không cao, chỉ có may mắn bất ngờ mới có thể bước lên bục cao nhất. Lê Quang Liêm dù gây tiếng vang ở tầm thế giới trong thời gian gần đây nhưng vẫn phải dè chừng trước các đối thủ của Trung Quốc, Uzbekistan. Tại nội dung súng trường hơi di động đồng đội nữ, hy vọng vàng của Việt Nam phụ thuộc vào việc đội Trung Quốc có tham dự hay không. Hy vọng đoạt HCV wushu cũng chỉ được đặt vào hạng 60kg nữ, nội dung mà các VĐV Trung Quốc không đăng ký tham dự. Còn đội tuyển cầu mây nữ, những cô gái vàng thực sự tại kỳ ASIAD 15, lại vào giải với nỗi lo gánh nặng tuổi tác và "nỗi ám ảnh Thái Lan" dù có thừa quyết tâm.
Quy hoạch là vậy, nhưng thực tế lại khác, thậm chí là khác xa. Nguyễn Hoàng Ngân lỗi hẹn, nhưng kể cả khi Ngân tham dự ASIAD 16, chưa chắc HCV đã về tay cô. Trước ASIAD 15 ở Qatar, Hoàng Ngân cũng được dự báo đoạt chức vô địch song cuối cùng vẫn chỉ đoạt ngôi á quân. Đội súng trường hơi di động nữ gặp phải đoàn Trung Quốc nên đành ngậm ngùi HCB. Nội dung cờ nhanh, Lê Quang Liêm vượt qua đối thủ Trung Quốc nhưng lại vấp ngã trước kỳ thủ người Uzbekistan Kasimdzhanov Rustam. Vũ Nguyệt Ánh (karatedo) cũng không thể vượt qua Li Hong (Trung Quốc) trong trận chung kết. Nguyễn Hoài Thu (taekwondo) tưởng như chạm vào vàng ASIAD lại để thua S.Phongsri (Thái Lan) vào phút chót. Vũ Thị Hương cũng không thể vượt qua Fukushima (Nhật Bản) để thỏa cơn khát vàng - ở cả cự ly 100m và 200m. Hạng 60kg nữ nội dung Tán thủ (wushu), Tân Thị Ly được hy vọng mang lại bất ngờ nhưng dù võ sĩ Trung Quốc không dự hạng này thì cô cũng sớm thúc thủ từ tứ kết trước võ sĩ Iran. Hy vọng đoạt HCV của Wushu Việt Nam tắt ngấm từ trận này chứ không đợi đến khi 3 võ sĩ Việt Nam khác kết thúc các trận chung kết Tán thủ với các võ sĩ Trung Quốc. Thua trắng ở mọi trận chung kết khác, việc xạ thủ Hoàng Xuân Vinh để tuột HCV trong viên cuối vì bắn trượt bia càng làm cho người hâm mộ thể thao choáng váng. Và rồi cuối cùng, như dự báo, các cô gái vàng cầu mây Việt Nam cũng không thể thắng nổi sức trẻ và bản lĩnh của các cô gái Thái Lan, không thể bảo vệ chức vô địch tại ASIAD trước.
Nhưng vẫn có điểm sáng
Sáng nhất hẳn phải là tấm HCV karatedo của nữ võ sĩ mới 18 tuổi Lê Bích Phương. Một tấm HCV bất ngờ có được nhờ sức trẻ, lòng quyết tâm và sự thoải mái về tâm lý mà Lê Bích Phương đã thể hiện trong suốt hành trình ASIAD của cô. Một võ sĩ mới tập trung ở đội tuyển quốc gia nửa năm, vừa lên ngôi tại giải vô địch quốc gia và được cử đi tranh tài ở ASIAD 16 trong sự tranh luận gay gắt của các chuyên gia karatedo Việt Nam, cuối cùng lại là người làm nên chuyện. Lê Bích Phương vượt qua võ sĩ Kobayashi - đến từ quê hương karatedo và vừa đoạt chức vô địch thế giới - ở trận chung kết trong sự tâm phục khẩu phục của đối thủ.
Trương Thanh Hằng, VĐV xuất sắc nhất của điền kinh Việt Nam tại ASIAD 16 với 2 HCB. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.