(HNM) - Chuẩn bị lực lượng tham dự SEA Games 30-2019 và vòng loại Olympic lần thứ 32-2020; từng bước triển khai công tác chuẩn bị đăng cai SEA Games 31 và Para Games 11-2021; đẩy nhanh công tác tổ chức Giải đua xe Công thức 1 - Việt Nam tại TP Hà Nội năm 2020 - đó là những trọng trách mà thể thao Thủ đô phải tập trung thực hiện trong năm 2019.
Duy trì vị thế tốp đầu đấu trường khu vực
Mục tiêu duy trì vị thế tốp đầu tại đấu trường Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) đã được lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Olympic Việt Nam khẳng định. Trao đổi với báo giới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn nhấn mạnh: "Thi đấu thành công tại SEA Games 30-2019 là một trong các nhiệm vụ trọng điểm của thể thao Việt Nam năm 2019, trong đó tốp đầu ở đây mang ý nghĩa là có thể hạng Ba, hoặc hạng Tư toàn đoàn. Bởi qua phân tích của giới chuyên môn, ngôi đầu của Đại hội khó đơn vị nào có thể qua mặt chủ nhà Philippines, vị trí Á quân nhiều khả năng thuộc về Thái Lan. Vì vậy, Đoàn thể thao Việt Nam dự kiến tham dự SEA Games 30-2019 sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với nhóm các nước Malaysia, Singapore, Indonesia, giành 65 Huy chương vàng trở lên mới có thể phấn đấu giành vị trí thứ Ba của Đại hội".
Đoàn Hà Nội luôn là lực lượng chủ lực của thể thao Việt Nam ở các đấu trường quốc tế. Ảnh: Bùi Lượng |
Đến thời điểm này, chương trình thi đấu của SEA Games 30-2019 được xác định gồm 56 môn với 63 phân môn, 523 nội dung thi đấu, dự kiến thu hút hơn 8.000 vận động viên thuộc 11 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực. Qua quá trình rà soát, các nhà chuyên môn dự kiến Đoàn thể thao Việt Nam gồm 500 thành viên sẽ tham dự 36/56 môn, 42/63 phân môn, tranh tài 350/523 nội dung thi đấu. Trong khi đó, khó khăn lớn là nhiều môn thuộc chương trình thi đấu của Olympic và ASIAD bị Ban Tổ chức SEA Games 30 của nước chủ nhà Philippines cắt giảm các nội dung trọng điểm. Vì vậy, để hỗ trợ Đoàn thể thao Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ, vai trò của các địa phương, trong đó Hà Nội là chủ lực, có ý nghĩa quyết định.
Về vấn đề này, tại Hội nghị triển khai công tác ngành Văn hóa - Thể thao Thủ đô mới đây, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động khẳng định: "Để chuẩn bị lực lượng vận động viên tham dự SEA Games 30-2019 và vòng loại Olympic lần thứ 32-2020, hiện nay, các bộ môn, phân môn của thể thao thành tích cao Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tập huấn, đào tạo lực lượng, cũng như kế hoạch tham dự các giải thi đấu thể thao trong nước, quốc tế. Bên cạnh đó, ngành Văn hóa và Thể thao Thủ đô sẽ chủ động phối hợp các sở, ngành, UBND các quận, huyện thực hiện cải tạo, sửa chữa các công trình thể thao phục vụ nhiệm vụ đăng cai tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 năm 2021".
Trên cơ sở bảng vàng thành tích đã giành được trong năm 2018, các nhà quản lý và chuyên môn của thể thao Thủ đô đã rà soát, xác định từng nhóm môn trọng điểm, ưu tiên phát triển các môn là thế mạnh của Hà Nội.
Phối hợp tổ chức các sự kiện lớn
Chủ động phối hợp Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Nam Grand Prix và các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác chuẩn bị tổ chức Giải đua xe Công thức 1 - Việt Nam tại TP Hà Nội năm 2020 cũng là một trong các đầu việc quan trọng được Hà Nội tập trung triển khai trong năm 2019. Về vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tô Văn Động cho biết: "Các đầu việc đang được chuẩn bị rốt ráo, dự kiến bắt đầu từ tháng 4-2019, Hà Nội sẽ triển khai bán vé của sự kiện thể thao quốc tế danh tiếng và danh giá này". Để bảo đảm công việc tiến triển thuận lợi, sự hỗ trợ của Ủy ban Olympic Việt Nam và Tổng cục Thể dục thể thao với Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng.
Bên cạnh đó, ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng sẽ tiếp tục triển khai một số sự kiện thể thao lớn giàu ý nghĩa, bao gồm Giải Marathon quốc tế di sản Hà Nội; hay Ngày chạy Olympic Vì sức khỏe toàn dân, gắn liền với Lễ phát động Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng lần thứ 46 - Vì hòa bình năm 2019...
Để đảm nhiệm tốt các trọng trách của năm 2019, lãnh đạo ngành Văn hóa - Thể thao Thủ đô đặc biệt lưu ý một số giải pháp, bao gồm: Thứ nhất, đề nghị Ủy ban Olympic Việt Nam tích cực tìm kiếm nguồn tài trợ từ Ủy ban Olympic quốc tế và các nguồn lực xã hội khác trong việc bố trí các cán bộ thể thao của Hà Nội và các địa phương khác được đào tạo kiến thức thể thao Olympic ở trình độ cao, kịp thời vận dụng vào thực tế tổ chức các sự kiện thể thao lớn. Thứ hai, trong xu hướng phát triển thể thao theo hướng chuyên nghiệp, cần phân định rạch ròi các nhóm nội dung được đầu tư chuyên sâu cho thể thao thành tích cao, và các nhóm nội dung chỉ nên tập trung phát triển theo diện thể thao quần chúng để Hà Nội và các địa phương khác có định hướng đầu tư phù hợp. Thứ ba, với các vận động viên trọng điểm cần tăng cường thi đấu tích điểm để vượt qua vòng loại Olympic Tokyo 2020, cần tạo sự liên thông trong kết hợp giữa nguồn tài chính của quốc gia với địa phương, Liên đoàn và Hiệp hội, tạo điều kiện tối đa cho các vận động viên được tham dự các giải đấu tuyển chọn...
Năm 2019 thực sự là năm bận rộn, nhưng với tâm thế sẵn sàng và nội lực mạnh mẽ, tin rằng thể thao Thủ đô sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.