(HNMCT) - Từ chỗ bị coi là thể loại "truyện ba xu”, chỉ in trên giấy xấu cho đại chúng mua vui vào những năm cuối thế kỷ XIX, truyện trinh thám đã dần chiếm một vị trí vững chắc bên cạnh các tiểu thuyết lãng mạn hay khoa học viễn tưởng. Hiện tại, dòng truyện trinh thám vẫn chiếm một thị phần lớn trên thị trường sách ở nhiều quốc gia. Nhiều tác phẩm thể loại trinh thám đã trở thành sách bán chạy được độc giả săn lùng.
Theo báo The Guardian, 2021 là một năm bội thu của thể loại tiểu thuyết trinh thám, từ các câu chuyện mang tính giật gân, bí ẩn tới các cuộc đấu trí gay cấn giữa cảnh sát và tội phạm. Một trong những tác giả đáng chú ý của dòng truyện này là Ajay Chowdhury, người Ấn Độ, với tác phẩm “The Waiter” (tạm dịch là “Bồi bàn”). Đây là câu chuyện kể về một thám tử thất nghiệp có tên Kamil Rahman, người chuyển từ Kolkata đến sống tại London (Anh) để bắt đầu cuộc sống mới với nghề làm bồi bàn trong một nhà hàng Ấn Độ. Nhưng, trong khi phục vụ tiệc sinh nhật cho người bạn giàu có của ông chủ mình, chủ nhân bữa tiệc, Rakesh, được phát hiện đã chết và người vợ mới của anh ta, Neha, trở thành nghi phạm hàng đầu. “Bệnh nghề nghiệp” phát tác, với sự giúp đỡ của con gái ông chủ, Kamil đã điều tra ra những gì đã xảy ra với Rakesh.
Cái tên đáng chú ý tiếp theo là Shari Lapena, một tiểu thuyết gia người Canada với tác phẩm “Not A Happy Family” ("Không phải là một gia đình hạnh phúc"). Các nhân vật chính trong truyện sống tại một ngôi làng hưu trí ở Anh và trong một lần vui đùa, họ đã thành lập cái gọi là Câu lạc bộ sát nhân ngày thứ năm. Một trong số họ, Elizabeth, là cựu điệp viên cơ quan tình báo Anh (MI5). Những rắc rối bắt đầu từ khi Elizabeth nhận được bức thư từ đồng nghiệp cũ và cũng tình cờ là chồng cũ của cô. Anh ta đã ăn trộm một số kim cương và định trốn trong làng hưu trí, lấy Elizabeth và bạn bè của cô làm lá chắn. Câu lạc bộ sát nhân ngày thứ năm đã điều tra ra số kim cương thế nào là cả một hành trình với nhiều tình tiết phức tạp.
Một số tác phẩm được xếp hạng trong 10 tiểu thuyết trinh thám đáng đọc nhất năm 2021 gồm: “The Couple at No 9” ("Cặp đôi ở vị trí thứ 9") của tác giả Claire Douglas; “The Shadow at the Door” ("Bóng đen trước cửa") của Tim Weaver; “Deadly Influence” ("Ảnh hưởng chết người") của Mike Omer...
Đánh giá về xu hướng của tiểu thuyết trinh thám trong những năm gần đây, nữ tiểu thuyết gia người Mỹ Mary Martinez cho biết, bà rất hào hứng khi triển khai nghiên cứu sâu về diễn biến của thể loại truyện này. Phải nói rằng, tiểu thuyết trinh thám đã vượt qua một hành trình lịch sử dài với không ít gian truân. Vì bị coi là những tác phẩm mang tính “thị trường”, kể từ khi truyện trinh thám đầu tiên của Edgar Poe - “Bí mật của Marie Roger” - xuất hiện trên tạp chí của Mỹ từ cuối năm 1842 đến đầu 1843, cho mãi đến đầu thế kỷ XX, giá trị của thể loại tiểu thuyết này mới được nhìn nhận đúng mức. James Mallahan Cain (1892 - 1977), Dashiell Hammett (1894 - 1961) và Raymond Chandler (1888 - 1959), đã làm nên ba cột trụ lớn của văn học trinh thám Mỹ. Họ góp phần làm nên thời kỳ hoàng kim của thể loại tác phẩm này (1920 - 1930). Tác phẩm của họ gây ảnh hưởng tới nhiều nhà văn khác và công chúng ở nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, một số nhà văn trinh thám khác, nổi tiếng hiện nay ở Mỹ mà tác phẩm của họ được dịch nhiều và bán chạy ở nhiều quốc gia, phải kể tới James Ellroy, Chester Himes, Ross Macdonall, Edward Bunker...
So với thời kỳ hoàng kim, nội dung những câu chuyện trinh thám được xây dựng ngày nay đã có những bước tiến dài. Mặc dù hầu hết vẫn dựa trên mô típ cũ là điều tra, vén màn bí ẩn của một vụ án, thường là giết người, song cốt truyện đã được các tác giả đưa vào nhiều tình huống bất ngờ, khiến độc giả khó có thể dự đoán được đoạn kết. “Tôi thích những cốt truyện xoay vần cho đến khi cảm thấy “chóng mặt”. Dù các manh mối đã được bày ra nhưng chúng vẫn có thể khiến độc giả phán đoán không chính xác. Theo tôi, một cốt truyện thành công là một cuộc “đi săn” mang lại cảm giác ly kỳ từ đầu đến cuối, kích thích người đọc không ngừng phán đoán và khó có thể rời mắt khỏi trang sách để tìm ra đáp án cuối cùng” - bà Mary Martinez chia sẻ.
Ý kiến của nhà văn Mary Martinez cũng trùng hợp với nhận định của nhiều nhà phê bình. Theo họ, so với các dòng văn học khác, mối quan hệ giữa tác giả và độc giả của truyện trinh thám dường như đặc biệt hơn, bởi lẽ cả hai bên cùng muốn “đấu trí” qua từng trang sách. Tác giả đưa ra các chi tiết, tình huống, những mong đánh lạc hướng độc giả. Ngược lại, trong khi vừa đọc vừa suy luận, độc giả lại tìm cách “bắt thóp” tác giả. Và, kết quả của một bộ truyện trinh thám thành công là độc giả bị tác giả “đặt bẫy”, bị “bẻ lái” đầy bất ngờ mà vẫn tấm tắc khi biết mình nhận một cú lừa ngoạn mục. Nếu quá dễ đoán, truyện trinh thám không còn gì bất ngờ để thu hút độc giả. Nói một cách khác, nội dung của tiểu thuyết trinh thám ngày nay phần nào phản ánh thực tế xã hội. Kể từ khi “ông tổ” của tiểu thuyết trinh thám Edgar Poe mang “Bí mật của Marie Roger” đến với độc giả tới nay, xã hội loài người đã trải qua rất nhiều biến động. Thế giới ngày càng phát triển, tội phạm cũng ngày càng tinh vi. Sự đổi mới của truyện trinh thám chính là một cách thích nghi mới có thể đáp ứng được nhu cầu của độc giả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.