(HNMCT) - Hiện nay, truyện trinh thám Việt dần khởi sắc với sự xuất hiện của nhiều tác giả trẻ. Hòa vào dòng chảy chung của truyện trinh thám thế giới đang chiếm thị phần lớn trên thị trường sách, văn học trinh thám Việt Nam cần hình thành bản sắc riêng nhằm xác lập chỗ đứng vững chắc trong lòng độc giả. Đó là điều không dễ dàng.
Những chuyển động khiêm tốn
Dạo qua các nhà sách lớn những năm gần đây, không khó để nhận ra các nhà sách đều có góc riêng để bày những cuốn tiểu thuyết mang bìa màu rất đậm với cái tên ly kỳ, cuốn hút và hơi... "rợn tóc gáy": "Kho báu bị nguyền rủa", "Hiện trường hoàn mỹ", "Hơi thở cuối cùng", "Danh gia cổ vật", "Khúc mai táng đêm mưa", "Cô gái trong cabin số 10", "Phía sau tội ác nhân danh khoa học", "Bạch dạ hành"... Đó là những tác phẩm của dòng sách trinh thám được dịch và giới thiệu với độc giả Việt Nam.
Trong thế giới văn học giải trí, trinh thám được coi là một thể loại đặc biệt. Tại Việt Nam, so với một số dòng sách khác trên thị trường, tiểu thuyết trinh thám tuy vẫn còn khá "lặng lẽ" nhưng đã có sự phát triển rõ rệt. Không gây ồn ào với những cuộc ra mắt sách hay giao lưu với độc giả, tiểu thuyết trinh thám có cộng đồng đọc riêng. Các fan truyện trinh thám chia sẻ với nhau những tác phẩm mới xuất bản, phân tích bút pháp của một số tác giả hay trao đổi, mua bán những cuốn sách mà mình đang thiếu - thừa.
Mặc dù có những chuyển động rõ rệt, song nhìn trên bình diện thế giới, thị trường sách trinh thám ở Việt Nam còn khá non trẻ. Số lượng bản in của mỗi tác phẩm trinh thám khá khiêm tốn. Ngay cả với những tác giả truyện trinh thám nổi tiếng thế giới, tác phẩm "làm mưa làm gió" thị trường của họ khi đến Việt Nam cũng không dễ gặt hái thành công. Bên cạnh lý do kén độc giả của dòng sách này thì thói quen đọc trong cộng đồng cũng là nguyên nhân quan trọng. Ở Na Uy với dân số hơn 5 triệu người, một tác phẩm trinh thám có thể được in 300.00 bản ngay ở lần xuất bản đầu tiên; một số nhà văn thành công có thể sở hữu hàng triệu bản in/ đầu sách, như nhà văn Jo Nesbo. Trong khi đó, tác phẩm ăn khách của nữ nhà văn Di Li được coi là đánh dấu sự trở lại của trinh thám Việt thì "tính cả bản lậu thì cũng chỉ được vài nghìn bản trong vòng mười năm".
Mạch ngầm vẫn chảy
Trước Di Li, từ lâu văn học Việt Nam đã có một số tác phẩm trinh thám hoặc có yếu tố trinh thám. Tuy nhiên, dòng chảy của văn học trinh thám Việt có nhiều lần đứt đoạn. Những năm 1930, trinh thám Việt bắt đầu nhen nhóm với tác phẩm của Phạm Cao Củng, Thế Lữ, Bùi Huy Phồn. Đa phần tác phẩm giai đoạn này mang đậm dấu ấn của trinh thám cổ điển với các thám tử tài ba như Kỳ Phát, Lê Phong...
Sau những năm chiến tranh, dòng văn học trinh thám lác đác xuất hiện với một số tiểu thuyết tình báo ăn khách như "X30 phá lưới", "Ông cố vấn", "Ván bài lật ngửa", "Nữ điệp viên sao Chăm-pa", "Đọ sức"... Và, phải đến những năm đầu thế kỷ XXI, văn học trinh thám mới trở lại đều đặn hơn với "Một thế giới không có đàn bà" của Bùi Anh Tấn, "Đêm yên tĩnh" của Hữu Mai, "Hồ sơ một tử tù" của Nguyễn Đình Tú, "Ổ buôn người" của Giản Tư Hải, "Trại Hoa Đỏ" của Di Li, "Sát thủ online" của Nguyễn Xuân Thủy...
Chưa đủ để thành một dòng chảy mạnh mẽ trên văn đàn, mạch ngầm tiểu thuyết trinh thám Việt vẫn lặng lẽ một nhu cầu kết nối, tìm đường. Sự ủng hộ của một lượng lớn độc giả đã kéo theo sự "vào cuộc" của các đơn vị xuất bản. Từ NXB Trẻ, NXB Phụ Nữ, NXB Kim Đồng, NXB Công an Nhân dân đến các đơn vị liên kết xuất bản như Nhã Nam, Đinh Tị, Phúc Minh, Liên Việt... đã luôn cập nhật các tác phẩm "hot" trên thế giới, giới thiệu các tác giả mới, các tác phẩm được giải thưởng, đồng thời không quên tiếp tục "làm lại" các tác phẩm trinh thám cổ điển. Chưa bao giờ thị trường văn học trinh thám lại sôi động như bây giờ; đủ các "dòng" trinh thám hành động, trinh thám suy luận, trinh thám tâm lý, trinh thám hình sự...
Làn gió mới nổi lên với sự dấn thân của nhiều cây bút trẻ. Đó là "Trại Hoa Đỏ", "Câu lạc bộ số 7" của Di Li; "Cô Mặc Sầu", "Phiên bản" của Nguyễn Đình Tú; "Sát thủ online", "Có tiếng người trong gió" của Nguyễn Xuân Thủy; "Mặt nạ trắng", "Ẩn ức trắng", "Thảm kịch trắng" của Kim Tam Long; "Mật mã Champa", "Thiên Địa Hội An Nam", "Âm mưu thay não" của Giản Tư Hải; "Tường lửa", "Thiên thần mù sương", "Đảo bạo bệnh" của Đức Anh; "Ác quỷ", "Thần chết và người đàn bà", "Ngôi mộ bí ẩn" của Vũ Khúc...
Tuy còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với trinh thám nước ngoài, nhưng sự tham gia ngày một nhiều hơn của các đơn vị xuất bản, cộng đồng đọc và các cây bút mới cho thấy tiềm năng của văn học trinh thám Việt Nam.
Để trinh thám Việt phát triển
Trong cuốn hồi ký của mình, nhà văn Phạm Cao Củng từng chia sẻ: “Sự thực, viết truyện trinh thám ở nước ta rất khó, vì dân ta vốn tính bình dị, ngay trong xã hội ít thấy xảy ra những vụ trộm hay những án mạng khả dĩ có thể gọi là ly kỳ... Chính vì thế, tôi luôn ao ước viết được những truyện trinh thám mà việc rất có thể xảy ra trong xã hội Việt Nam, và vai chính cần phải có được tính cách Việt Nam...”.
"Chất Việt" có lẽ cũng là mong muốn chung của nhiều độc giả trinh thám. Và, đó có thể cũng là một lời giải cho con đường đi đến thành công. Trong bối cảnh thị trường truyện trinh thám tràn ngập tác phẩm của các nước có lịch sử văn học trinh thám lâu đời, thì những tác phẩm trong nước rất dễ bị chìm lấp, bị "đọc vị", bị "bắt lỗi". Không ít độc giả trẻ đã chia sẻ mong muốn, đã "đặt hàng" tác giả "của mình" về những tác phẩm có bối cảnh thuần Việt với làng quê, câu chuyện thời chiến, thời bao cấp, với không gian vỉa hè Hà Nội hay góc phố mù sương ở Pleiku... Và, đặc biệt là họ muốn thấy lời thoại "thật Việt Nam". Theo nhà văn Đức Anh, đó là con đường để phát triển văn học trinh thám Việt Nam mà ở đó cần có năng lực nội địa và sự học hỏi kỹ thuật viết trinh thám phương Tây.
Có thể lấy ví dụ từ tác phẩm "Dưới cánh đại bàng" của tác giả Hoàng Yến, người đã được một số độc giả "vinh danh" là "một đầu bếp dùng lịch sử làm nguyên liệu chế biến để cho ra một món ăn tinh thần tuyệt vời". "Dưới cánh đại bàng" của Hoàng Yến không cần PR rầm rộ nhưng vẫn được độc giả yêu thích bởi cách xây dựng cốt truyện ấn tượng, lựa chọn chủ đề độc đáo để tạo nên tác phẩm "nhiều muối mà vẫn không hề đuối cho đến cuối truyện". Thật vinh dự khi tác giả nhận được lời đánh giá: "Nếu có nhiều tác phẩm như “Dưới cánh đại bàng” được xuất bản thì việc ghi nhớ lịch sử sẽ dễ dàng hơn".
Tương tự, tác phẩm "Tết ở làng Địa Ngục" của Thảo Trang "khởi động" bằng chương mở đầu đậm chất sử Việt với địa danh Truông nhà Hồ, với vị quan nội tán Nguyễn Khoa Đăng. Yếu tố văn hóa dân gian, thế giới tâm linh của người Việt trong cuốn sách mang lại cho độc giả cảm giác vừa gần gũi thân quen, vừa hồi hộp kích thích khi dự đoán về cái kết.
Ngoài yếu tố về đề tài, nội dung tác phẩm, để trinh thám Việt phát triển, đã đến lúc cách thức truyền thông cho tác phẩm trinh thám Việt cần được các đơn vị xuất bản cũng như chính tác giả quan tâm đầu tư hơn. Bên cạnh đó, sự tương tác, giao lưu giữa đội ngũ viết và cộng đồng đọc cũng là điều rất cần thiết để gợi ý cho các sáng tác mới.
Một cuốn trinh thám ra đời "ngốn" không ít công sức và thời gian của tác giả. Nhưng, điều đó không thể ngăn cản các cây bút bắt đầu nếu họ nhận ra rằng, mảnh đất trinh thám giàu tiềm năng và những người tiên phong luôn có nhiều cơ hội. Trinh thám đã bắt đầu được nhìn nhận một cách trân trọng thay vì bị coi là thứ văn học "ba xu" rẻ tiền. Sự thay đổi trong nếp nghĩ ấy có lẽ sẽ đưa trinh thám tới giai đoạn phát triển rực rỡ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.