Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thể hiện rõ bản sắc Thủ đô trong quy hoạch

Quốc Bình| 22/04/2010 06:10

Cần có đề án xây dựng chính quyền đô thị (HNM) - Chiều qua 21-4, sau hai ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Ngô Thị Doãn Thanh, HĐND TP Hà Nội bế mạc Kỳ họp thứ 20.

* Cần có đề án xây dựng chính quyền đô thị

(HNM) - Chiều qua 21-4, sau hai ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Ngô Thị Doãn Thanh, HĐND TP Hà Nội bế mạc Kỳ họp thứ 20. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo có bài phát biểu quan trọng khẳng định, những quyết sách của HĐND TP tại kỳ họp lần này là những vấn đề rất quan trọng, vừa cấp bách trước mắt, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô trong tương lai. Trên cơ sở các nghị quyết của HĐND TP và ý kiến đóng góp của các vị đại biểu (ĐB), UBND TP sẽ nghiêm túc triển khai thực hiện.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Viết Thành


Linh hoạt khi xác định khâu đột phá

Chủ tịch UBND TP cho biết, đối với "Chiến lược phát triển KT-XH Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050", UBND TP sẽ làm rõ và sâu sắc hơn các vấn đề như thực lực và tiềm năng, triển vọng để nhận dạng một cách chính xác trình độ phát triển của Hà Nội hiện nay. Chiến lược phải đặt trong mối liên hệ với chiến lược phát triển quốc gia và Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng Bắc bộ, trong bối cảnh khu vực và quốc tế, gắn yêu cầu giải quyết vấn đề phát triển KT-XH Thủ đô với cả nước. Về các giải pháp mang tính đột phá, Chủ tịch UBND TP cho biết sẽ tập trung nghiên cứu sâu thêm và bày tỏ: Xác định giải pháp đột phá trong một giai đoạn nhất định thì không khó, nhưng trong một thời kỳ dài với những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, nên để cơ chế mở linh hoạt trong việc xác định.

Về "Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", Chủ tịch UBND TP cho biết, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND TP sẽ làm rõ về vị trí, vai trò, chức năng của Thủ đô đối với vùng lãnh thổ và cả nước. Qua đó, sẽ xác định những chức năng căn bản, chủ yếu cần được ưu tiên, giải quyết tốt mối quan hệ Hà Nội là một đơn vị hành chính trực thuộc TƯ và là Thủ đô của cả nước. Trong xây dựng quy hoạch, TP quán triệt quan điểm phát triển toàn diện, bền vững, hài hòa giữa các mục tiêu, nhiệm vụ của TP và hài hòa giữa các lĩnh vực. Đồng thời làm nổi bật những vấn đề trọng tâm, trọng điểm và thứ tự ưu tiên trong phát triển KT-XH của Thủ đô, cũng như những giải pháp cụ thể về cơ chế, chính sách, về thu hút nguồn lực…

Xây dựng chính quyền đô thị
Chủ tịch UBND TP dành nhiều thời gian nói về đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ông nhấn mạnh, quy hoạch phải thực sự là mô hình tổng thể, toàn diện về Thủ đô trong tương lai. Bên cạnh việc chọn lọc và tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế, chúng ta cần quan tâm hơn đến việc tạo dựng Thủ đô có được bản sắc, thể hiện sự kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa và đặc điểm đô thị truyền thống Việt Nam.

Chủ tịch cũng cho rằng, quy hoạch cần đặc biệt quan tâm vấn đề quy hoạch và phát triển mạng lưới giao thông, vừa là để tháo gỡ tình trạng quá tải, mất cân đối hiện nay, vừa là yếu tố động lực thúc đẩy phát triển KTXH của TP, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước. Quy hoạch chung cũng rất cần chỉ ra định hướng và yêu cầu cao đối với công tác quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch. Đây là một trong những nhân tố cực kỳ quan trọng, song đồng thời cũng là một nhược điểm, yếu kém lâu nay. Trong tổ chức thực hiện quy hoạch, cần phải tính đến đề xuất xây dựng chính quyền đô thị (Mô hình quản lý hành chính tinh giản, hiệu quả; trong đó, trách nhiệm cá nhân được làm rõ từ người đứng đầu đến từng vị trí công tác…-PV). Chủ tịch UBND TP khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của HĐND TP để tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng chỉ đạo cơ quan tư vấn xem xét cụ thể để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Về đề án "Xây dựng nông thôn mới của Hà Nội giai đoạn 2010-2020, định hướng 2030", Chủ tịch UBND TP khẳng định, khu vực nông nghiệp, nông thôn có vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT-XH của Thủ đô. Tới đây, trong từng năm, từng giai đoạn, UBND TP sẽ báo cáo, đề xuất cụ thể việc phân bổ và huy động các nguồn vốn để thực hiện có hiệu quả nhất đề án này.

Năm 2015, phấn đấu 35-40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới
Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng cùng ngày, HĐND TP đã thảo luận về đề án Xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội giai đoạn 2010-2020, định hướng đến năm 2030. Hai chỉ số được đưa ra mổ xẻ nhiều nhất là tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 và tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện đề án. Theo các ĐB, tỷ lệ 40-45% số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2015 là quá cao, không khả thi. Nên sau khi UBND TP điều chỉnh xuống còn 35-40%, hầu hết ĐB HĐND TP đã thống nhất. Các ĐB cũng thống nhất ghi tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện đề án là 32.000 tỷ đồng, sau khi Phó Chủ tịch UBND TP Trịnh Duy Hùng lý giải "Đây là tính toán ở thời giá hiện tại, sau này khi điều kiện biến đổi, chúng ta có thể điều chỉnh".

Các ĐB cho rằng, đề án cần phân tích rõ hơn để thấy được những nét đặc thù của nông thôn Hà Nội, những điểm khác biệt và mức độ chênh lệch về trình độ dân trí, hiện trạng cơ sở hạ tầng, mức sống của người dân giữa các vùng, khu vực nông thôn khác nhau trên địa bàn để có cơ sở xác định cơ cấu, hỗ trợ đầu tư hợp lý. Theo phân tích của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, so với chuẩn nông thôn mới hiện nay, Hà Nội mới chỉ có 1/19 tiêu chí đạt, 10 tiêu chí cơ bản đạt, còn 8 tiêu chí chưa đạt (trong đó có những tiêu chí mới đạt khoảng 25%). Một số chỉ tiêu trong đề án cũng được các đại biểu đề nghị làm rõ như tiêu chí về thu nhập của người dân, quy hoạch, môi trường, lao động...

Theo các ĐB, việc đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2012 hoàn thành việc lập, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nông thôn mới cho 100% xã là khó hoàn thành vì đến thời điểm này, còn hơn 34% số xã chưa có quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu, hơn 81% xã chưa có quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội…, chưa tính đến những xã đã quy hoạch nhưng sẽ phải điều chỉnh sau khi quy hoạch chung của TP được phê duyệt.

Trên cơ sở cân nhắc, tiếp thu các ý kiến đóng góp, HĐND TP đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về đề án Xây dựng nông thôn mới TP giai đoạn 2010-2020, định hướng 2030 và một số nghị quyết khác liên quan đến chế độ chi tiêu tài chính tiếp khách…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thể hiện rõ bản sắc Thủ đô trong quy hoạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.