(HNM) - Những thời khắc đáng nhớ của năm mới Quý Tỵ vẫn còn rộn ràng tại nhiều quốc gia Châu Á. Những lời chúc tốt đẹp và ấm áp của các lãnh đạo thế giới tới các cộng đồng đang đón mừng năm mới theo cổ lịch Châu Á khiến ngày lễ quan trọng nhất trong năm thêm sắc màu mới.
Không chỉ đơn thuần là một giao thoa về văn hóa, rõ ràng mối quan tâm của thế giới với Châu Á đã ngày càng rõ nét hơn. Vị trí không thể bỏ qua về địa-chính trị, kinh tế đã biến châu lục thống trị về dân số thành một trọng tâm trong các mối quan hệ toàn cầu của năm qua. Thế nhưng, bản thân Châu Á-Thái Bình Dương dù đang trỗi dậy cũng đã tiềm ẩn và xuất hiện những thách thức không nhỏ về an ninh ở cấp độ quốc tế.
Tranh chấp biển tại đảo Đông Á đang đặt ra thử thách lớn với sự ổn định khu vực. |
Là một hồ sơ dang dở trong nhiều năm, nay Triều Tiên với các động thái không khoan nhượng liên quan đến chương trình hạt nhân đã làm tăng nhiệt không chỉ tại không gian chính trị Đông Bắc Á mà còn tác động ở quy mô toàn cầu. Bất chấp mối quan hệ ngày càng lạnh giá với Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ, một cơn địa chấn mới vừa được Bình Nhưỡng khẳng định khi tuyên bố thử thành công hạt nhân lần thứ ba vào sáng 12-2. Sự kiện được Triều Tiên "ngụ ý" từ trước này thành hiện thực cho thấy chưa hề có sự thu hẹp khoảng cách giữa quốc gia Đông Bắc Á với các chính phủ mới từ Seoul, Tokyo đến Washington. Vụ nổ như một thể hiện lập trường của Bình Nhưỡng đã khiến bán đảo Triều Tiên thêm nóng ngay trong những ngày đầu năm mới. Có thể thấy ngay, sau đó có thể lại là những quyết định trừng phạt mới của cộng đồng quốc tế nhằm vào Bình Nhưỡng, nhưng ở một góc độ nào đó những hành động như vậy dường như khó làm thay đổi chuỗi phản ứng hạt nhân đã chạm điểm nổ. Do đó, cuộc đua giữa một bên nhằm giành quyền kiểm soát và bên kia là ngăn chặn việc phổ biến nguyên tử trên bán đảo Triều Tiên thật khó thấy hồi kết ngay tại thời điểm này.
Dẫu vậy, vụ nổ năm mới trên bán đảo Triều Tiên vẫn chỉ là một câu chuyện không mới mà những diễn biến gay gắt về chủ quyền biển đảo của các bên liên quan tại Đông Á năm qua mới thực sự là một căng thẳng chưa có tiền lệ. Khẳng định chủ quyền biển, đảo theo thông lệ quốc tế ở khu vực cũng như trên thế giới cũng không có gì quá mới mẻ; nhưng, chưa khi nào trên khắp vành đai từ Đông Bắc Á đến Đông Nam Á, câu chuyện bảo vệ chủ quyền biển, đảo lại xuất hiện như mối quan tâm lớn nhất của nhiều quốc gia. Thách thức vừa nảy sinh từ Đông Á đã đánh dấu một thời kỳ từng được dự báo là "thế kỷ đại dương" - thế kỷ XXI. Vì những mục tiêu chiến lược cũng như lợi ích quốc gia, mùa biển động ở Đông Á vừa qua được xem là một vấn đề tiềm ẩn nhiều thách thức. Nó đòi hỏi các bên phải tôn trọng luật pháp quốc tế với cách tiếp cận chín chắn trên tinh thần các quy tắc ứng xử phù hợp với tinh thần của Hiến chương Liên hợp quốc.
Trong khi đó, chính sách chuyển trọng tâm về Châu Á của chính quyền Tổng thống Barack Obama được xác lập ngay trong những ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của ông chủ Nhà Trắng. Điều này cho thấy vị thế của châu lục cũng như tầm quan trọng của một Châu Á trong chiến lược của cường quốc số 1 thế giới. Đã có ý kiến cho rằng, quyết định Châu Á - Thái Bình Dương có thể làm giảm mối quan tâm Mỹ tại một khu vực trọng yếu khác của thế giới là Trung Đông và Bắc Phi - nơi "Mùa xuân Arab" vẫn chưa hoàn tất. Song, chuyến công du đầu tiên trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống B.Obama tới Israel và Palestine trong ít ngày tới phần nào cho thấy, tiến trình hòa bình Trung Đông vẫn chiếm một vị trí đáng kể trên bàn cờ an ninh khu vực và toàn cầu. Bên cạnh di sản bất ổn tồn tại hơn 6 thập kỷ, cuộc nội chiến đang tiếp diễn tại Syria, biến loạn chưa dừng ở Ai Cập hay tham vọng hạt nhân của Iran… tiếp tục khiến Trung Đông và Bắc Phi chưa thể rút khỏi bản danh sách những nguy cơ tiềm tàng của thế giới.
Thế nhưng, những thử thách an ninh mới chỉ là một phần trong bức toàn cảnh của thế giới hôm nay. Một Châu Âu đang chìm đắm trong nợ nần vẫn chưa thực sự tìm ra lối thoát hay một nước Mỹ đang đối diện với "vách đá tài khóa" và một nước Nhật đang không ngừng buộc phải củng cố sức mạnh kinh tế… đã phản ánh đầy đủ hơn những khó khăn mà toàn cầu sẽ phải đối diện trong năm mới.
Rõ ràng, thế giới đang diễn ra những đổi thay khác thường để định hình một trật tự mới trên cả địa hạt chính trị lẫn kinh tế. Song, cho dù bất kỳ điều gì sẽ xảy đến thì lẽ phải và luật pháp sẽ là trục xoay không thể thay thế để mọi biến cố đều hướng đến mục tiêu cao nhất là hòa bình và ổn định cho nhân loại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.