(HNMO) - Trước thực tế dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan với số ca nhiễm tăng nhanh ở hầu khắp các châu lục, nhiều quốc gia đã gia hạn thời gian thực hiện các biện pháp hạn chế, giới nghiêm hay phong tỏa nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Chiều 29-3, quan chức phụ trách y tế của Anh, bà Jenny Harries, cảnh báo nguy cơ nước Anh sẽ đối mặt với làn sóng đỉnh dịch Covid-19 lần thứ hai nếu dỡ bỏ sớm những biện pháp phong tỏa và cho rằng người dân Anh có thể sẽ phải thực hiện lệnh phong tỏa kéo dài tới 6 tháng.
Theo bà Harries còn quá sớm để biết liệu Anh có đạt được kết quả mong muốn là giảm bớt tình trạng lây lan hay không. Do vậy, việc ngay lập tức dỡ bỏ mọi lệnh phong tỏa, trở về cuộc sống bình thường sẽ vô cùng nguy hiểm.
Bà cho rằng trong thời gian 6 tháng tới, chính phủ sẽ đánh giá tình hình sau mỗi 3 tuần và đưa ra những điều chỉnh phù hợp đối với các biện pháp giãn cách xã hội nhằm bảo vệ người dân.
Trong khi đó, theo Chánh Văn phòng Chính phủ Đức, ông Helge Braun, Đức chưa có kế hoạch nới lỏng các hạn chế hiện tại trước ngày 20-4, đồng thời cho biết các biện pháp kiểm soát chặt chẽ vẫn sẽ được duy trì đối với người cao tuổi và những người có trình trạng sức khỏe tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh.
Trong bối cảnh các bệnh viện của Pháp sẽ phải tiếp nhận thêm nhiều ca mắc Covid-19 nặng trong những ngày tới, Pháp cũng đã thông báo kéo dài thời gian phong tỏa đến ngày 15-4, thay vì đến 31-3 như dự kiến ban đầu. Theo thông báo, các quy định hạn chế di chuyển vẫn giữ nguyên, song có thể được tiếp tục gia hạn tùy theo tình hình thực tế.
Trở thành quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 lớn thứ tư thế giới, Thủ tướng Pedro Sanchez ngày 28-3 thông báo, nước này sẽ triển khai các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn để buộc những người lao động làm việc trong ngành không thiết yếu phải ở nhà trong hai tuần tới. Nội các Tây Ban Nha đã thông qua biện pháp này trong cuộc họp sáng 29-3 và triển khai từ ngày 30-3 đến 9-4.
Trước thực tế số ca nhiễm bệnh vẫn đang gia tăng, ngày 30-3, Thị trưởng thành phố Mátxcơva (Nga) Sergey Sobyanin đã ký quyết định bổ sung các biện pháp hạn chế khắt khe hơn nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan ở thủ đô.
Theo đó, chế độ tự cách ly sẽ được áp dụng với tất cả người dân Mátxcơva kể từ ngày 30-3. Người dân sẽ chỉ được phép rời khỏi nhà trong các trường hợp: Cấp cứu y tế, đi làm nếu buộc phải đến nơi làm việc, mua bán tại cửa hàng hoặc hiệu thuốc gần nhất đang mở cửa, cho vật nuôi đi dạo trong phạm vi không quá 100m kể từ nơi ở, vứt rác tiêu dùng.
Trong những ngày tới, chính quyền thành phố sẽ áp dụng chế độ cấp giấy phép đặc biệt cho việc ra khỏi nhà. Cũng trong tuần này, hệ thống quan sát thông minh có thể nhận diện khuôn mặt và kiểm tra việc đi lại của người dân sẽ được triển khai. Trên các tuyến phố sẽ có lực lượng tuần tra thường xuyên để phát hiện vi phạm.
Kể từ 0h ngày 30-3, biên giới Nga sẽ đóng cửa hoàn toàn.
Chính phủ các nước Guatemala và Honduras ngày 29-3 đã quyết định kéo dài lệnh giới nghiêm trên cả nước đến ngày 12-4 tới, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng.
Với 62 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tính đến sáng 30-3, tỉnh Phuket là một trong số những địa phương ở Thái Lan có nhiều trường hợp mắc Covid-19 nhất. Trong một diễn biến mới nhất, cùng ngày, chính quyền tỉnh này đã ra lệnh đóng cửa tất cả các lối ra vào tỉnh, ngoại trừ giao thông hàng không, từ nửa đêm 30-3 đến 30-4 hoặc cho tới khi có thông báo tiếp theo.
Theo lệnh trên, người dân và tất cả các phương tiện bị cấm ra vào tỉnh Phuket qua điểm kiểm soát Tha Chat Chai, trừ những người vận chuyển lương thực và nhu yếu phẩm, nhiên liệu, vật liệu xây dựng, thiết bị y tế cũng như các phương tiện cứu hộ, cấp cứu, phục vụ hoạt động của nhà nước và chở ấn phẩm xuất bản. Lệnh cấm này cũng áp dụng đối với người và tất cả các loại tàu thuyền ra vào tỉnh qua các cảng quốc tế, trừ tàu chở hàng.
Các lệnh hạn chế cũng đã được ban bố tại Malaysia, quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao tại Đông Nam Á. Ngày 30-3, nhằm tăng cường các biện pháp chống lại sự bùng phát của dịch Covid-19, từ ngày 1-4, Malaysia sẽ chỉ cho phép các cửa hàng bán nhu yếu phẩm hoạt động trong khoảng thời gian từ 8h đến 20h hằng ngày. Tất cả các nhà hàng và dịch vụ giao đồ ăn cũng sẽ bị hạn chế giờ làm việc.
Tại Hàn Quốc, nhằm quyết tâm dập dịch trước thềm lễ khai giảng năm học mới (dự kiến diễn ra ngày 6-4 tới), Chính phủ nước này đã tăng cường biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế tối đa các hoạt động tập thể, sinh hoạt tôn giáo, các dịch vụ vui chơi giải trí... cho đến ngày 5-4.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc sẽ thực hiện lệnh cách ly bắt buộc 2 tuần tại nhà hoặc cơ sở lưu trú do nhà nước chỉ định đối với tất cả hành khách nhập cảnh kể từ 0h ngày 1-4. Riêng đối với khách du lịch hoặc công tác ngắn ngày sẽ được cách ly tại cơ sở lưu trú do nhà nước chỉ định.
Phát biểu với báo giới ngày 30-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Kim Gang-lip cho biết: “Người nước ngoài đang phải cách ly mà rời khỏi nơi ở không xin phép sẽ bị trục xuất ngay lập tức”.
Đứng trước cuộc khủng hoảng y tế đầy thách thức với thế giới trong bối cảnh con người vẫn chưa hoàn toàn biết rõ về vi rút SARS-CoV-2 và thuốc đặc trị chống lại loại vi rút corona chủng mới này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, chính phủ các quốc gia đang nỗ lực tìm kiếm và áp dụng các biện pháp phù hợp để ngăn chặn dịch bệnh.
Dù thực thi nhiều mức độ kiểm soát khác nhau nhưng những chính sách này đều chung một mục tiêu là kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19, tạo thời gian để phát hiện các ca nhiễm, giảm áp lực cho các cơ sở y tế… để từ đó bảo vệ tính mạng nhân dân.
Tuy nhiên, hệ thống phòng ngừa này chỉ mang lại kết quả khi có sự ủng hộ, đồng hành của dân chúng bởi dịch bệnh càng được khống chế sớm thì những thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra càng được giảm nhẹ để chúng ta cùng được sống trong một thế giới an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.