Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thế giới đoàn kết chống khủng bố: Chung một chiến hào

Vân Khanh| 13/01/2015 06:31

(HNM) - Nước Pháp đang trải qua những thời khắc đau buồn và cả trong những cảm xúc đặc biệt. Chưa khi nào kể từ lễ kỷ niệm ngày Pháp được giải phóng khỏi ách chiếm đóng của phát xít Đức năm 1944, đất nước hình lục lăng lại được chứng kiến những dòng người đổ ra đường phố đông đến vậy.

Ảnh: VOV


Từ kinh đô ánh sáng Paris đến thành phố cảng Marseille, hàng triệu người không phân biệt tuổi tác, màu da, sắc tộc, tôn giáo đã cùng nhau tham gia cuộc tuần hành lịch sử, tưởng nhớ những nạn nhân trong 3 ngày khủng bố kinh hoàng và hòa chung quyết tâm chống lại chủ nghĩa cực đoan. Biểu tượng chiếc bút chì với dòng chữ "Không sợ hãi" hay những biểu ngữ có nội dung "Chúng tôi là Charlie" xuất hiện khắp nơi đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ về tinh thần đoàn kết của nhân loại tiến bộ, siết chặt tay đấu tranh cho bình yên, tự do và công lý đến cùng. Hình ảnh hơn 40 nhà lãnh đạo các quốc gia khắp thế giới, tay trong tay dẫn đầu đoàn người đi qua nhiều con phố tại Paris đã để lại những ấn tượng sâu sắc và đầy tính nhân văn về một tình đoàn kết quốc tế cao cả tưởng như đã bị vùi lấp bởi nhiều toan tính lợi ích đan xen.

Có lẽ đây không phải là phản ứng mà những kẻ khủng bố tàn bạo mong đợi. Khi lạnh lùng nổ những phát súng oan nghiệt cướp đi mạng sống của 12 họa sĩ, biên tập viên của tạp chí trào phúng Charlie Hebdo và tạo nên màn bắt cóc con tin kịch tính gây chấn động nước Pháp, những tên khủng bố cuồng tín chỉ theo đuổi duy nhất một mục tiêu là phô trương thanh thế và reo rắc nỗi sợ hãi ngay trong lòng Châu Âu yên bình. Tuy nhiên, chúng không dự đoán được rằng, các hành động mất nhân tính chống lại chính cộng đồng của mình đã kích hoạt một tinh thần ái quốc và không khuất phục của người dân Pháp, sự gắn kết để chống lại mối đe dọa an ninh chung của nhân loại tiến bộ. Điều này có ý nghĩa xã hội và chính trị to lớn trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Francois Hollande đã bị cuốn vào một cuộc đối đầu trực diện với những kẻ khủng bố kiểu mới, hoạt động theo những chiến thuật mới, âm thầm nhưng không kém phần tàn bạo và nguy hiểm.

Kể từ sau thảm họa 11-9 tại Mỹ, các nỗ lực trên bình diện toàn cầu trong cuộc chiến chống khủng bố đã giúp triệt phá nhiều tổ chức cực đoan, vô hiệu hóa nhiều âm mưu nhằm thực hiện những vụ tấn công quy mô lớn. Thế nhưng, sự hợp tác xuyên quốc gia nhằm triệt phá những phong trào thánh chiến mà đỉnh điểm là vụ đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden tại Pakistan năm 2011 chưa thể loại bỏ những ý tưởng cực đoan. Các phần tử quá khích đã chuyển hướng hành động sang các phi vụ đơn lẻ, "địa phương hóa" những kẻ tấn công, nhằm vào các mục tiêu hạn hẹp hơn nhưng dễ triển khai và quan trọng là vẫn đạt được mục đích làm tổn thất nhân mạng cũng như gây dựng tiếng vang cho chúng. Các cuộc tấn công vừa qua tại Pháp là bằng chứng cụ thể và rõ ràng cho luận thuyết này. Chuỗi sự kiện buồn thảm tại nơi được xem là trung tâm của Châu Âu cổ kính và văn minh, cái nôi của nền dân chủ và pháp trị của nhân loại cũng mở đầu cho trận chiến chống khủng bố không theo phương thức cũ, với những kẻ thủ ác mang quốc tịch Châu Âu và ở một địa bàn rộng lớn ngoài Trung Đông. Cũng bởi tính khó đoán định của những "chiến binh đơn độc" mà cuộc chiến này đòi hỏi phải có cách tiếp cận hoàn toàn khác mang tính toàn diện hơn. Có rất nhiều lý do dẫn đến sự ra đời của chủ nghĩa khủng bố. Nhưng có một vấn đề rõ ràng là các xung đột lợi ích, tôn giáo giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo trong nhiều thập kỷ qua đã tạo ra đất đai cho sự lớn mạnh của tâm lý phản kháng và tư tưởng cực đoan. Lẽ dĩ nhiên không phải bất kỳ một sự bất bình nào của người Hồi giáo cũng có thể dẫn tới hành vi khủng bố vì giống như các tôn giáo chính thống khác, đạo Hồi khuyên răn các tín đồ hướng thiện và sống nhân ái. Vì vậy, sự nguy hiểm nằm ở chỗ đã có những kẻ lấy giáo lý đạo Hồi, tận dụng những mâu thuẫn chính trị để kích động một cuộc thánh chiến mang màu sắc tôn giáo phục vụ cho những mưu đồ cá nhân. Do đó, đã từ lâu, các chuyên gia phân tích đều cho rằng súng đạn, máy bay ném bom hay những cuộc tấn công quân sự rầm rộ sẽ khó triệt xóa tận gốc những "ngọn lửa cuồng tín". Ngược lại, việc tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc trong thế giới Arab, giải quyết những bất công, hỗ trợ các quốc gia tại Trung Đông xây dựng năng lực tự quản lý đất nước, phát triển kinh tế nhằm tạo thêm nhiều việc làm cho tầng lớp thanh niên… sẽ giúp tước bỏ thứ vũ khí tư tưởng mà những kẻ cầm đầu các tổ chức thánh chiến sử dụng để chiêu mộ thành viên. Bằng không, chừng nào thế giới Hồi giáo còn bất ổn và rối ren thì chừng đó khủng bố sẽ vẫn còn đất sống.

Thế nên, cuộc chiến chống lại các phần tử cực đoan chắc chắn sẽ còn lâu dài và nhiều khó khăn bởi lực lượng này được cho đã bắt đầu lớn mạnh tại Châu Âu, Mỹ và cả một số quốc gia Châu Á. Một sự hợp lực trên quy mô toàn cầu là cần thiết để đẩy lùi những hiểm họa mà chủ nghĩa khủng bố mang đến cho nhân loại. Thế giới đã chứng kiến được quyết tâm này khi sự có mặt của các nhà lãnh đạo nhiều quốc gia khác nhau trong cuộc tuần hành tại Paris được xem như một cam kết mạnh mẽ nhất về một sự hợp tác sâu rộng chống những kẻ khủng bố trong bóng tối, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân loại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thế giới đoàn kết chống khủng bố: Chung một chiến hào

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.