Môi trường

Thế giới cần 2.700 tỷ USD mỗi năm để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050

Dương Thuỳ 14/09/2023 - 19:11

Thế giới cần đầu tư 2.700 tỷ USD mỗi năm để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tránh nhiệt độ tăng trên 1,5 độ C trong thế kỷ này, Reuters dẫn báo cáo của Công ty tư vấn Wood Mackenzie cho biết ngày 14-9.

giam-phat-thai.png
Khí thải từ ống khói của một nhà máy hóa chất ở Sydney, Australia.

Theo các nhà khoa học, thế giới cần hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5 độ C trong thế kỷ này để tránh những tác động thảm khốc do biến đổi khí hậu. Nhiều chính phủ đã cam kết giảm lượng khí thải xuống mức 0 vào giữa thế kỷ để giúp đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, hầu hết quốc gia đều không đi đúng hướng để đạt được mục tiêu phát thải vào năm 2030 chứ chưa nói đến năm 2050, báo cáo cho biết.

Phát thải ròng bằng 0 đề cập đến việc cắt giảm lượng khí thải xuống gần bằng 0 nhất có thể với lượng khí thải còn lại được hấp thụ lại từ khí quyển, chẳng hạn như bởi đại dương và rừng.

Theo Liên hợp quốc, các cam kết cắt giảm khí thải hiện tại của các chính phủ sẽ không ngăn được nhiệt độ toàn cầu tăng hơn 1,5 độ C và có thể khiến thế giới ấm lên 2,5 độ C vào năm 2050. Wood Mackenzie cho biết, để khử carbon, ngành năng lượng cần đầu tư 1.900 tỷ USD mỗi năm và con số này phải tăng 150% - tương đương 2.700 tỷ USD mỗi năm để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Ba phần tư số tiền đầu tư đó là cần thiết cho lĩnh vực điện và cơ sở hạ tầng.

Simon Flowers, Chủ tịch kiêm nhà phân tích trưởng tại Wood Mackenzie, cho biết: “Đạt được mức 1,5 độ C sẽ vô cùng khó khăn, nhưng điều đó có thể thực hiện được và phụ thuộc rất nhiều vào các hành động trong thập kỷ này”. Báo cáo nêu rõ, các nguồn năng lượng tái tạo như gió và năng lượng mặt trời cần trở thành nguồn cung cấp năng lượng chính của thế giới để hỗ trợ điện khí hóa trong vận chuyển và sản xuất hydro xanh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thế giới cần 2.700 tỷ USD mỗi năm để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.