Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỹ: Khí thải nhà máy điện giảm mạnh

Thương Nguyệt| 25/02/2023 08:19

(HNMO) – Lượng khí thải từ các nhà máy điện tại Mỹ trong năm 2022 đã giảm nhờ tiếp tục chuyển đổi sử dụng từ than đá sang khí đốt tự nhiên.

Ngày 24-2, Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) thông báo, lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và làm tăng nhiệt độ Trái đất, đã giảm dù nhu cầu về điện tại Mỹ trong năm 2022 tăng 2%. Nguyên nhân do việc hạn chế sử dụng than đá - loại nhiên liệu hóa thạch thải ra lượng lớn khí ô nhiễm khi được đốt cháy. 

So với năm 2021, lượng phát thải khí nitơ từ các nhà máy điện ở Mỹ đã giảm 4%, trong khi phát thải khí lưu huỳnh điôxit giảm mạnh 10%. Lượng khí thải thủy ngân, một chất độc thần kinh có thể tích tụ trong môi trường, cũng giảm 3%. Phát thải khí nhà kính CO2 giảm thấp nhất, ở mức 1%.

Phát thải khí độc hại từ các nhà máy điện ở Mỹ giảm trong năm 2022. Ảnh: Reuters

Những con số tích cực kể trên cho thấy EPA đang đi đúng hướng trong nỗ lực giảm phát thải các loại khí độc hại. Tuy nhiên, dữ liệu của cơ quan này không đề cập đến lượng phát thải metan (loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh) từ ngành công nghiệp khí đốt tự nhiên.

Theo đánh giá của các chuyên gia về môi trường, giảm phát thải metan là việc làm quan trọng trong bối cảnh Mỹ đang trên đà trở thành quốc gia xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới. 

Hồi đầu tháng 2, EPA đã tái khẳng định những nghiên cứu khoa học và pháp lý từ năm 2012 về việc giảm phát thải thủy ngân và các chất độc hại trong không khí là bước cần thiết trước khi cơ quan này siết chặt các quy định liên quan.

Dự kiến, EPA sẽ ban hành quy định về các loại khí thải độc hại trong thời gian tới. Quy định mới nằm trong số nhiều quy định khác, nhằm mục đích “làm sạch” ngành công nghiệp điện, buộc các nhà máy điện phải thắt chặt kiểm soát hoặc đóng cửa các nhà máy cũ không bảo đảm điều kiện về an toàn môi trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mỹ: Khí thải nhà máy điện giảm mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.