(HNMO) - Sau 2 năm trồng thử nghiệm cho thấy chưa thích nghi với điều kiện khí hậu của Hà Nội, hàng cây phong trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng sắp được thay thế bởi hệ thống cây xanh phù hợp hơn. Đây là sự thay thế cần thiết, cần sớm được thực hiện nhằm bảo đảm đồng bộ hệ thống cây xanh, duy trì cảnh quan đô thị trên tuyến đường của Thủ đô.
Như đã đưa tin, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội vừa có Văn bản số 2788/VP-ĐT (ngày 2-4-2021) thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn về phương án thay thế cây phong trồng thử nghiệm trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công, 262 cây phong được trồng thử nghiệm từ năm 2018 trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng do Công ty cổ phần Đầu tư Tân Đại Đường tặng thành phố. Sau 2 năm, bước đầu cho thấy cây chưa thích nghi với điều kiện khí hậu của Hà Nội. 45 cây chết, 217 cây sống nhưng sinh trưởng, phát triển kém. Lá cây sau một thời gian bị héo, cành, nhánh bị khô và hay bị sâu bệnh, ảnh hưởng đến cảnh quan tuyến phố. Để bảo đảm cảnh quan, đồng bộ hệ thống cây xanh, đáp ứng thẩm mỹ, mỹ quan đô thị trên tuyến đường, Sở đã đề xuất UBND thành phố đánh chuyển cây phong và trồng thay thế bằng cây bàng lá nhỏ.
Việc trồng hệ thống cây xanh mới được thực hiện trong tháng 4-2021 và hoàn thành trước dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5-2021.
Sau sau, loài cây dễ bị nhầm với phong lá đỏ
Trước thực tế hàng phong lá đỏ trên tuyến Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng chết hoặc sinh trưởng kém do chưa thích nghi với điều kiện khí hậu Hà Nội… một số người dân thắc mắc tại sao hàng phong được trồng tại khu Ngoại giao đoàn (Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lại xanh tốt, vào mùa đông cây chuyển màu lá đỏ rất đẹp?
Giải đáp thắc mắc trên, PGS.TS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị, Đại học Lâm nghiệp khẳng định, hàng cây trồng tại khu vực Ngoại giao đoàn không phải là phong lá đỏ mà là cây sau sau. Loài cây bản địa của Việt Nam này đang được trồng rộng khắp, từ Bắc vào Nam vì cây có sức sinh trưởng, phát triển tốt, đặc biệt ở các đô thị. Tại Huế, sau sau đã được trồng lâu năm, nhiều cây có đường kính tới 60-70cm.
Tại Hà Nội, ngoài khu Ngoại giao đoàn, sau sau còn được trồng nhiều ở Tây hồ Tây, khu vực Đại sứ quán Hàn Quốc, hồ điều hòa Khu đô thị Thành phố Giao lưu… Những hàng cây sau sau đều đang phát triển xanh tốt, đường kính thân 20-30 cm, cao khoảng 6-7 m.
“Lá cây sau sau có hình dạng khá giống lá phong, vào mùa đông chuyển từ xanh sang vàng sẫm và đỏ nên nhiều người dễ nhầm lẫn. Tuy nhiên, chỉ cần dựa vào thùy lá có thể phân biệt 2 loài. Cụ thể, lá sau sau xẻ thành 3 thùy và lá phong có từ 5-6 thùy. Ngoài ra, cây phong không có quả, trong khi quả sau sau có nhiều gai nhọn, mềm”, PGS. TS Đặng Văn Hà phân tích.
Cũng theo ông Hà, sau sau có thể trồng tốt ở các khu đô thị, công viên, tuyến hè phố, dải phân cách… Cây không chỉ có khả năng sinh trưởng khỏe mà tạo cảnh quan đẹp nhờ đặc tính chuyển màu lá sang đỏ. Chồi non mọc lên ngay sau khi lá rụng, có màu hồng cũng lạ mắt. Theo quan sát của Viện trong nhiều năm, cây không có sâu bệnh ảnh hưởng đến con người. Sau khoảng 50-60 năm sinh trưởng, cây có hiện tượng già cỗi nên cần lưu ý được chặt tỉa cành khô.
Bàng lá nhỏ, vì sao được ưu tiên lựa chọn?
Theo cả hai phương án thay thế hàng phong lá đỏ trên tuyến Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng được đưa ra, bàng lá nhỏ đều được lựa chọn. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, bàng lá nhỏ được trồng thử nghiệm từ lâu và mang lại cảnh quan đẹp trên nhiều tuyến phố tại Hà Nội như Đào Tấn, Nguyễn Khánh Toàn, Kim Mã... Qua theo dõi, cây sinh trưởng và phát triển tốt, ổn định. Đặc biệt, giống cây này rất ít sâu bệnh, ít bị gãy đổ khi mưa bão, không tốn công chăm sóc, cắt tỉa.
Theo PGS.TS Đặng Văn Hà, bàng lá nhỏ, hay còn gọi là bàng Đài Loan là giống cây trồng phù hợp ở đô thị cũng như nhiều nơi khác. Cây có ưu điểm là bộ rễ chắc khỏe, ít gãy đổ, thân, cành dẻo dai.
“Bàng lá nhỏ được nhập ở nước ngoài vào nước ta cách đây khoảng 20 năm, được trồng ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, trong đó có Hà Nội. Cây dễ nhân giống, sinh trưởng khỏe, không kén đất, có thể trồng cả ở nơi khô hạn lẫn chỗ mực nước ngập cao. Cây cho bóng mát tốt vào mùa hè. Tại các tỉnh khu vực phía Nam, vào mùa khô cây thường rụng lá. Tuy nhiên, ở miền Bắc, cây cũng rụng lá nhưng chỉ trong thời gian ngắn và ra lá non ngay. Do rễ bàng lá nhỏ có đặc tính “ăn nổi” nên cần cân nhắc khi trồng ở những tuyến phố có hè hẹp, không gây ảnh hưởng đến chất lượng vỉa hè”, PGS.TS Đặng Văn Hà nêu.
Với người dân Hà Nội, những hàng cây bàng lá nhỏ xanh mướt được trồng từ nhiều năm nay đã trở nên quen thuộc và chiếm được tình cảm của nhiều người bởi cây tạo cảnh quan đẹp. Thân cây mọc thẳng, cành nhánh mọc ngang hoặc chếch tạo thành những tán tròn đan xen, tạo bóng mát. Lá bàng có màu xanh bóng và đậm dần theo thời gian, thời gian rụng lá rất ngắn.
Việc trồng thử nghiệm những loài cây mới tại Hà Nội là hoàn toàn bình thường nhằm bổ sung, làm phong phú hệ thống cây xanh đô thị, vốn có vai trò rất quan trọng cải thiện và nâng cao chất lượng sống cho người dân. Tuy nhiên, trước những thử nghiệm cho thấy loài cây mới chưa thích nghi thì sự thay thế bằng những loài cây phù hợp hơn là cần thiết để Thủ đô luôn được duy trì không gian xanh, trong lành và mỹ quan đô thị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.