Như Báo Hànộimới đã phản ánh, suốt 1 tuần qua, các con đường cửa ngõ phía Đông thành phố Hồ Chí Minh bị ùn tắc nghiêm trọng do ngăn đường sửa khe co giãn cầu Long Thành.
Tài xế, doanh nghiệp và cơ quan chức năng đang chạy đua với thời gian, vừa tìm lộ trình thay thế, vừa sớm hoàn tất việc sửa chữa.
Chấp nhận chạy xa hơn
Đó là lựa chọn “cực chẳng đã” của nhiều tài xế chạy từ Vũng Tàu về trung tâm thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh Quốc lộ 51, phà Cát Lái, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh… đều ùn tắc nghiêm trọng nhiều ngày qua. Nguyên nhân là do cơ quan chức năng sửa chữa, thay thế khe co giãn trên cầu Long Thành vào thành phố Hồ Chí Minh nên hạn chế xe vào cao tốc. Do đây là tuyến huyết mạch, lượng xe qua lại hàng ngày quá lớn, nên hàng nghìn phương tiện ùn ứ dồn ra các tuyến đường xung quanh, gây tắc nghẽn nghiêm trọng.
“Công an tỉnh Đồng Nai có hướng dẫn các tài xế chạy xe qua phà Nhơn Trạch để về thành phố Hồ Chí Minh, nhưng tôi đã từng phải chờ 4 tiếng mới qua được phà. Hướng đi Quốc lộ 1 đông chật xe mỗi cuối giờ chiều. Còn Quốc lộ 51 thì lâu nay vẫn ùn tắc, tình hình hiện nay nghiêm trọng hơn. Nói chung trong tuần qua, tôi và nhiều người thường phải mất khoảng 6-8 tiếng đồng hồ để đi quãng đường 90km từ Vũng Tàu về trung tâm thành phố Hồ Chí Minh”, anh Vũ Văn Minh, tài xế xe khách công ty HT, chia sẻ với phóng viên.
Hai ngày gần đây, cánh tài xế nhắc nhau một lộ trình thay thế, đó là đi theo Quốc lộ 56 từ khu vực phường Bà Rịa (thành phố Hồ Chí Minh) về khu vực Long Khánh - Xuân Lộc của tỉnh Đồng Nai, sau đó theo Quốc lộ 1 về khu vực Biên Hòa. Từ đây, lái xe có thể lựa chọn Quốc lộ 1 hoặc Quốc lộ 1K về trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.
Anh Trương Chí Nghĩa, phụ trách kỹ thuật Công ty cổ phần vận tải BT (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết lộ trình này vắng hơn, nhưng dài hơn vì phải vòng lên hướng Đông Bắc rồi mới quay về thành phố Hồ Chí Minh theo hướng Tây Nam, chứ không đi theo hướng Đông - Tây như các lộ trình cũ. “Chúng tôi mất gần 4 giờ để đi theo đường này, chi phí cao hơn. Tuy nhiên, lộ trình này chỉ là giải pháp tạm thời và chỉ phù hợp với xe khách, xe du lịch. Xe tải phải trả hàng dọc Quốc lộ 51 và khu vực Biên Hòa nên không phù hợp”, anh Nghĩa nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tuyến quốc lộ dài 50km có điểm đầu từ phường Bà Rịa (thành phố Hồ Chí Minh) chạy về phường Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Tài xế có thể chạy xe theo đường này rồi rẽ trái vào đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, chạy đến nút giao Quốc lộ 1 thì chạy theo đường này về quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Tổng quãng đường là khoảng 150km (tính cả đoạn đường từ Vũng Tàu về Bà Rịa), xa hơn so với các lộ trình cũ (90km nếu theo Quốc lộ 51 và cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh; 120km nếu đi hết Quốc lộ 51 và rẽ trái theo Quốc lộ 1).
Có đường thủy thay thế
Chị Hoàng Thu Trang, hướng dẫn viên du lịch Công ty Du lịch A.C thành phố Hồ Chí Minh cho biết đang hướng dẫn khách hàng đi qua phà Bình Khánh từ Nhà Bè sang Cần Giờ; chạy theo đường bộ đến phà Cần Giờ để đi phà biển sang Vũng Tàu. Lộ trình này mất khoảng 3 giờ di chuyển vì phải chờ phà. “Đây là lộ trình phù hợp với người đi xe máy. Nếu đi ô tô (không phải xe tải), sẽ phải chi thêm khoảng 300.000 đồng tiền vận chuyển qua phà biển”, chị Trang thông tin.
Còn một phương thức đi lại khác đang được nhiều người tính đến, đó là đi tàu cao tốc từ trung tâm thành phố Hồ Chí Minh ra biển để về Vũng Tàu. Theo ông Trần Song Hải, Tổng Giám đốc công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP (Greenlines DP) chuyên khai thác vận tải thủy theo tuyến này, tổng thời gian đi lại hết hơn 2 giờ đồng hồ; giá vé từ 320.000 đến 380.000 đồng/người. Tuy nhiên, tuyến này chỉ vận chuyển người và hành lý nhẹ nhàng, không vận chuyển kèm phương tiện cá nhân.
Theo anh Trần Đại Dương, một người thường xuyên đi trên tuyến tàu cao tốc này, khi thời tiết xấu, tàu phải tạm ngưng hoạt động. Điển hình là vào thời điểm này, tàu cao tốc từ trung tâm thành phố Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu phải tạm ngưng đến ngày 27-7, do biển động.
Thực tế nêu trên cho thấy sau hợp nhất, vấn đề nổi cộm hiện tại là giao thông kết nối giữa thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trước đây đang rất thiếu và yếu.
Về đường bộ, 2 trung tâm công nghiệp, cảng biển, du lịch lớn nhất miền Nam này đang hoàn toàn phụ thuộc vào Quốc lộ 51 đông chật xe, chạy qua các khu công nghiệp và dân cư đông đúc. Đường thủy chưa phải là phương thức thuận lợi cho số đông người dân và doanh nghiệp.
Hy vọng thời gian tới, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh sớm có giải pháp hữu hiệu trước mắt và lâu dài cho việc gia tăng chất lượng kết nối giữa hai khu vực quan trọng này.
Ngày 22-7, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết các bên liên quan đang nỗ lực rút ngắn thời gian thi công thay thế khe co giãn trên cầu Long Thành. Theo kế hoạch cũ, thời gian hạn chế xe trên cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sẽ kéo dài từ ngày 15 đến 31-7. Theo quyết tâm mới, công việc sẽ hoàn thành vào ngày 27-7-2025.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.