(HNM) - Trong báo cáo công tác kiểm soát tải trọng xe 6 tháng đầu năm 2017 vừa được Tổng cục Đường bộ Việt Nam công bố, có một con số rất đáng suy nghĩ.
Như vậy, cũng là hoạt động thanh, kiểm tra và xử lý xe vi phạm chở quá khổ, quá tải trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ nhưng tại sao kết quả lại vênh nhau quá lớn?
Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, xe quá tải còn tồn tại và tái diễn phức tạp do nhiều nguyên nhân. Cụ thể là do lực lượng thanh tra giao thông còn mỏng; các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động của các địa phương chỉ hoạt động trên đường địa phương và quốc lộ ủy thác; một số
địa phương vào cuộc chưa mạnh mẽ. Sau khi Kế hoạch số 12593/KHPH-BGTVT-BCA của liên Bộ Công an và Bộ GT-VT về kiểm soát tải trọng xe kết thúc (tháng 9-2016), đã có hàng loạt trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động tạm dừng hoạt động. Trước yêu cầu thực tế, hiện nay các địa phương đã dần củng cố lực lượng, đưa trạm kiểm tra lưu động hoạt động trở lại nhưng trên cả nước vẫn còn 13 trạm "án binh bất động".
Trong ‘‘cuộc chiến’’ chống xe quá tải, các cơ quan chức năng từ trung ương tới địa phương vẫn luôn hô hào quyết tâm phải nâng cao trách nhiệm người thực thi công vụ; trách nhiệm người đứng đầu... Tuy nhiên, từ những con số báo cáo thống kê nói trên và thực tế công tác kiểm soát tải trọng xe cho thấy, hầu hết các vụ vi phạm lớn đều do thanh tra giao thông cấp trung ương tiến hành kiểm tra đột xuất phát hiện và xử lý. Trong khi vai trò của thanh tra tại nhiều địa phương lại mờ nhạt, để vi phạm tái diễn trong thời gian dài.
Vẫn biết công tác chống xe quá tải còn nhiều khó khăn và thách thức. Để giải quyết triệt để tình trạng này, các cấp, các ngành cần nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ chứ không chỉ là hô hào quyết tâm. Và chính lãnh đạo các địa phương cũng phải thay đổi tư duy trong việc ứng xử với loại ‘‘hung thần’’ này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.