(HNM) - Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, nhiều người đã thay đổi thói quen tiêu dùng, tự tay chế biến thực phẩm cho bữa cơm hằng ngày, thay vì tìm đến các hàng quán. Theo các chuyên gia, để có một bữa cơm ngon, bảo đảm an toàn và phòng, tránh ngộ độc thực phẩm, người dân cũng cần tự trang bị cho mình kiến thức lựa chọn và chế biến thực phẩm an toàn.
Những sai lầm gây hại...
Trước đây, chị Nguyễn Thu Huyền (40 tuổi, ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên) có thói quen ăn sáng ngoài hàng quán. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, chị thay đổi thói quen này bằng cách dậy sớm tự nấu đồ ăn cho mình và gia đình. Theo chị Huyền, đây cũng là cách bảo vệ sức khỏe và chăm lo cho gia đình tốt hơn trước tình hình phức tạp của dịch bệnh.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người dân cần tuân thủ các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm để góp phần phòng, chống dịch Covid-19. Bởi có những thói quen không tốt khi nấu nướng và ăn uống cũng là nguyên nhân gây ngộ độc, khiến thực phẩm trở thành “độc dược”, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe.
Thêm vào đó, thực phẩm là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể, đồng thời cũng là nguồn gây bệnh, nếu không bảo đảm an toàn. Trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm, nếu không tuân thủ nghiêm những quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh thì nguy cơ bị nhiễm khuẩn là rất cao.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, sai lầm rất lớn của nhiều người là khi đi chợ về để nguyên cả túi ni lông cho vào tủ lạnh, điều này dễ làm thực phẩm lây nhiễm vi khuẩn, gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Bên cạnh đó, thói quen mua thức ăn dự trữ và để đồ ăn quá lâu trong tủ lạnh cũng tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe mà nhiều người không biết.
“Khi để thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh, thì một số enzyme trong thực phẩm sẽ tự phân hủy và chuyển hóa, làm cho thực phẩm ít nhiều mất đi một số chất dinh dưỡng, chất béo hòa tan... Ngoài ra, nếu tủ lạnh không được vệ sinh thường xuyên, sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm. Những thức ăn có hạn sử dụng ngắn nên được xếp ở phía cửa tủ, để tránh bị quá hạn”, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Danh Tuyên lưu ý.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, rau, quả đã chế biến tốt nhất là ăn hết trong một bữa, tránh để lại ngày hôm sau hoặc đun lại nhiều lần, đặc biệt là với các loại rau hẹ, củ cải, rau diếp bởi lượng nitrat trong các loại rau này sẽ chuyển thành nitrit gây hại. Đối với những món dưa cải muối thì cần chờ thực sự chín mới ăn bởi lẽ khi chưa chín, hàm lượng nitrit tồn dư sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải, thậm chí có nguy cơ gây ung thư.
Luôn nhớ 10 nguyên tắc “vàng”
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra 10 nguyên tắc “vàng” về bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm theo khuyến cáo của WHO. Đó là chọn thực phẩm an toàn; nấu kỹ thức ăn; ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín; bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín; đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn; không để lẫn thực phẩm sống và chín; luôn giữ bàn tay chế biến thực phẩm sạch sẽ; giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, dụng cụ chế biến sạch sẽ; bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác; sử dụng nguồn nước sạch...
Trưởng phòng Quản lý tiêu chuẩn và kiểm nghiệm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Lâm Quốc Hùng cho biết, người tiêu dùng nên chọn những sản phẩm có nguồn gốc từ các đơn vị được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế hoặc giấy chứng nhận VietGAP (hoặc giấy chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn GAP khác). Ngoài ra, cần chọn những sản phẩm rau, quả có bao gói, thùng chứa, dây buộc hợp vệ sinh. Trên bao bì hoặc nhãn gắn trực tiếp vào từng sản phẩm tối thiểu phải có thông tin của nhà sản xuất, nhà cung cấp và nên lựa chọn thực phẩm ở những địa chỉ cung cấp uy tín.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng đưa ra khuyến cáo, người tiêu dùng có thể dựa vào màu sắc để chọn thực phẩm. Theo đó, rau, củ, quả tươi có màu sắc tự nhiên, không bị héo úa, không có màu sắc bất thường. Thông thường, rau, củ, quả tươi có mùi đặc trưng của từng loại. Còn khi ngửi mà nhận thấy có mùi lạ, mùi hắc, mùi thuốc sâu hay hóa chất, thì đó là rau, củ, quả có hại, cũng có thể là đã cũ và được người bán nhúng qua hóa chất. Ngoài ra, người tiêu dùng không nên chọn mua rau, củ, quả đã được gọt, thái sẵn và ngâm nước ở ngoài chợ, vì rất có thể đó là những loại đã hỏng hoặc để lâu, người bán muốn tận dụng những phần còn dùng được để bán.
Cũng theo Cục An toàn thực phẩm, trước khi sử dụng, rửa rau, củ, quả là việc quan trọng. Nếu rau sống, củ, quả tươi không bảo đảm vệ sinh (tưới bón phân tươi, phân bắc hay phân chuồng chưa ủ kỹ, sử dụng thuốc trừ sâu không đúng quy định...), thì lại là món ăn mang theo mầm bệnh, làm cho người ăn dễ bị viêm nhiễm đường tiêu hóa, bệnh giun sán, nhiễm độc thuốc trừ sâu cấp tính và mạn tính. Việc ngâm rau sống, củ, quả vào dung dịch thuốc tím loãng (thường là dung dịch thuốc tím 1%) hoặc nước muối loãng đều không bảo đảm loại trừ sạch mầm bệnh. Qua một số thí nghiệm cho thấy, trong môi trường thuốc tím, nước muối loãng, thì không có tác dụng gì với trứng giun và một số vi khuẩn gây bệnh. Để bảo đảm rau, củ sạch cần nhặt sạch rồi rửa nhiều lần bằng nước sạch, tốt nhất là rửa trực tiếp từng lá dưới vòi nước chảy là biện pháp hiệu quả nhất để loại bỏ trứng giun, vi khuẩn gây bệnh và dư lượng hóa chất trừ sâu còn bám trên lá rau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.