(HNMCT) - Với “trữ lượng” tài nguyên di sản phong phú, đa dạng, Hà Nội cần thực thi nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Đây cũng là một trong những nội dung thiết thực nhằm thực hiện Chương trình 06-CT/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” (Chương trình 06). Để di sản trở thành nguồn tài nguyên có thể khai thác, phát triển và sáng tạo, trước hết cần thay đổi nhận thức về giá trị của di sản trong đời sống hôm nay, đặc biệt là từ thế hệ trẻ. Dưới đây là một số ý kiến về vấn đề này.
Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn:
Đổi mới tư duy để khai thác hiệu quả nguồn lực văn hóa
Để khai thác hiệu quả di sản với tư cách một nguồn tài nguyên quý giá, điều quan trọng đầu tiên là phải đổi mới nhận thức một cách căn bản. Trước hết, cần thấm nhuần sâu sắc quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là hồn cốt, khí chất của dân tộc. Điều này cần được quán triệt sâu sắc từ lãnh đạo đến toàn dân và có chiến lược lâu dài, toàn diện.
Việc phát huy giá trị di sản văn hóa là sự nghiệp lớn có tầm chiến lược, đòi hỏi sự đổi mới căn bản, toàn diện và sâu sắc nhận thức về văn hóa. Văn hóa cần được đối xử ngang bằng với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, và quan trọng hơn là phải có giải pháp để khai thác hiệu quả các di sản văn hóa như một nguồn tài nguyên vô giá, là động lực để phát triển. Để làm tốt việc này, cần có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa "ba nhà": Nhà quản lý, nhà khoa học và nhà đầu tư.
Di tích lịch sử - văn hóa là một nguồn tài nguyên để phát triển bền vững. Đây là nguồn tài nguyên đặc biệt, nhưng đôi khi quan niệm, nhận thức, cách tiếp cận, đánh giá giá trị và phát huy nguồn tài nguyên này có phần đơn giản. Vấn đề không chỉ là giải bài toán phát huy giá trị di sản, bởi nếu không làm tốt khâu bảo tồn thì không những không gìn giữ được giá trị, mà còn làm suy giảm giá trị, tức là làm hao mòn tài nguyên. Đã đến lúc cần thiết phải đánh giá cụ thể các dự án trùng tu, bảo tồn di sản và tính hiệu quả của nó.
Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh:
Đề án mã hóa dữ liệu địa chỉ đỏ là mô hình tiên phong đổi mới, sáng tạo
Trong các kế hoạch, đề án mà Thành đoàn Hà Nội phụ trách tham mưu triển khai thực hiện nhằm cụ thể hóa Chương trình số 06 của Thành ủy Hà Nội, Đề án “Mã hóa dữ liệu địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên, thanh niên” được Thành đoàn Hà Nội tham mưu cho Ban Chỉ đạo Chương trình 06 ban hành cùng việc ứng dụng chuyển đổi số trong dữ liệu hóa các địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố đã và đang được các cấp bộ Đoàn tích cực triển khai và thu được nhiều kết quả nổi bật, có sức lan tỏa, được lãnh đạo, đoàn viên, thanh niên và nhân dân Thủ đô ghi nhận.
Đề án này phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên, thanh niên, được Thành đoàn Hà Nội kỳ vọng trở thành một “bản đồ số” thu thập đầy đủ và chi tiết tư liệu về các địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố, từ đó trở thành công cụ đắc lực giúp ngành Du lịch, Văn hóa tuyên truyền, giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về các di tích cách mạng trên địa bàn thành phố Hà Nội; giúp cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, các tầng lớp nhân dân Thủ đô và du khách khi đến tham quan có thể dễ dàng tra cứu thông tin, hình ảnh của điểm di tích. Bên cạnh đó, Đề án cũng giúp ngành Giáo dục và Đào tạo tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử, khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô, đất nước.
Trong tương lai, hệ thống mã QR và tư liệu số về các địa chỉ đỏ được hoàn thành, đưa vào sử dụng tại các đơn vị, địa phương, sẽ được tích hợp vào một nền tảng “bản đồ số” chung do Thành đoàn Hà Nội thiết lập và vận hành. Việc triển khai mô hình “Số hóa các địa chỉ đỏ” được kỳ vọng sẽ “mềm hóa” chặng đường tiếp cận lịch sử trong học sinh, sinh viên, trở thành nguồn tài liệu tham khảo trực quan, sinh động trong công tác giảng dạy môn lịch sử tại các trường học. Bên cạnh đó, Thành đoàn Hà Nội kỳ vọng đây sẽ là mô hình tiên phong đổi mới, sáng tạo của tuổi trẻ, góp phần thúc đẩy du lịch thông minh trên địa bàn Thành phố; thể hiện vai trò của thanh niên trong việc tham gia “phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” theo nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được xác định trong quá trình triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình 06.
Tiến sĩ Đặng Thị Phong Lan, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam:
Giới trẻ chính là nguồn lực hàng đầu cho thành phố sáng tạo
Hiện nay, khái niệm “thành phố sáng tạo” được nhắc tới rất nhiều. Có thể hiểu rằng, ngày nay, tài nguyên thiên nhiên dồi dào, vị trí địa lý thuận lợi... không còn đóng vai trò quyết định tới sự hưng thịnh của một quốc gia, một thành phố. Thay vào đó, nền tảng cho sự phát triển của mọi thành phố là tính sáng tạo. Thành phố sáng tạo là nơi mà ở đó con người với tính sáng tạo là tài nguyên quan trọng, tạo ra của cải cho xã hội. Với cách hiểu này, nhiều thành phố thay vì tập trung vào các ngành công nghiệp khai thác tài nguyên thiên nhiên - vốn dễ tác động xấu tới môi trường, đã dần hướng tới nền công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa. Mục tiêu là xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động sáng tạo, thu hút lực lượng lao động sáng tạo và tạo ra các sản phẩm sáng tạo.
Điểm lại các sự kiện sáng tạo diễn ra trong những năm gần đây, có thể thấy sự tham gia của giới trẻ là vô cùng quan trọng. Đây chính là lực lượng quyết định những xu hướng sáng tạo trong thời gian tới. Nhiều sự kiện về mỹ thuật đã được tổ chức thành công, mang lại tác động tích cực đối với cộng đồng. Trong đó, sinh viên các trường mỹ thuật trên địa bàn Hà Nội đóng vai trò nghệ sĩ sáng tạo.
Vì thế, để khẳng định danh hiệu Thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội cần nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng các dự án, sự kiện văn hóa, nghệ thuật, tạo ra các sản phẩm có giá trị về cả văn hóa và kinh tế, nâng cao ý thức của người dân, trong đó giới trẻ chính là nguồn lực hàng đầu. Sự nhạy bén trong việc tiếp thu cái mới, sự nhiệt huyết trong tinh thần và sự táo bạo khi triển khai những dự án chính là ưu thế của người trẻ. Sự tham gia của họ vào các sự kiện sẽ quyết định thành công của việc củng cố danh hiệu Thành phố sáng tạo của Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.