(HNM) - Mất cân bằng giới tính khi sinh là một trong những thách thức lớn nhất của công tác dân số nước ta ở thời điểm hiện tại. Trước thực tế đó, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức biểu dương các gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số, có con gái chăm ngoan, học giỏi. Đây là hoạt động nhằm góp phần thay đổi nhận thức về bình đẳng giới, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh.
“Con nào cũng là con”
Với quan niệm “con nào cũng là con”, vợ chồng anh Trần Xuân Hùng (sinh năm 1974) và chị Nguyễn Thị Bảo Thúy (sinh năm 1976) trú tại N1, tập thể Giao thông (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) dù sinh được 2 con gái, nhưng quyết định không sinh thêm con thứ 3 để tập trung nuôi dạy con. Gia đình anh chị đã trở thành gia đình kiểu mẫu, được Sở Y tế Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm tuyên dương trong 100 gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số, có con gái chăm ngoan, học giỏi.
Chị Nguyễn Thị Bảo Thúy tâm sự: “Chồng tôi là con trai trưởng trong gia đình, nên khi vợ sinh 2 con gái, nhiều người khuyên cố thêm con trai. Vậy nhưng, chồng tôi luôn động viên vợ chỉ nên có 2 con để tập trung nuôi dạy con thật tốt. Thành quả đến nay, 2 con gái của chúng tôi rất ngoan, học giỏi. Các cháu luôn có ý thức tự lập trong cuộc sống, biết chia sẻ, yêu thương mọi người và giúp đỡ bố mẹ. Hiện con gái lớn của tôi là thành viên của Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội và tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện tại cộng đồng. Với tôi, gia đình hạnh phúc không phải vì có con gái hay con trai mà là tình yêu thương, sự sẻ chia xuất phát từ trái tim của mỗi thành viên”.
Ở một huyện ngoại thành, nơi mà quan niệm “trọng nam, khinh nữ” ăn sâu trong tư tưởng người dân, nhưng vợ chồng anh Trần Cường và chị Vũ Linh (ở xã Thư Phú, huyện Thường Tín) vẫn kiên định không sinh con thứ 3, dù anh chị có 2 cô con gái. Anh Trần Cường cho biết, hiện nay tư tưởng sinh con trai để nối dõi tông đường vẫn còn gây áp lực nặng nề cho không ít phụ nữ. Thậm chí, không ít gia đình có tư tưởng chỉ đầu tư, vun vén cho con trai mà thờ ơ, lạnh nhạt với con gái. "Thế nhưng, với gia đình tôi, con cái là của trời cho, nên có được con trai, con gái không quan trọng bằng việc phải nuôi dạy con khỏe mạnh, ngoan ngoãn, trở thành người có ích cho xã hội" - anh Cường khẳng định.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử, Viện Nghiên cứu dân số, gia đình và trẻ em, trong bối cảnh mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn đang ở mức báo động như hiện nay, thì các hoạt động truyền thông nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái trong xã hội mà thành phố Hà Nội đang triển khai, đặc biệt là hoạt động biểu dương các gia đình sinh con một bề gái chăm ngoan, học giỏi có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết. Những hoạt động truyền thông này góp phần thay đổi nhận thức của người dân về giới tính, giá trị của một con người nằm ở những cống hiến của người đó cho gia đình và xã hội, chứ không phải là giới tính nam hay nữ.
Đẩy mạnh chính sách an sinh xã hội
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, theo quy luật tự nhiên, trung bình 100 bé gái sinh ra tương ứng với từ 104 đến 106 bé trai sinh ra. Thế nhưng, hiện tại, tỷ lệ giới tính khi sinh ở nước ta dao động xung quanh ngưỡng 114,8 bé trai/100 bé gái. Cả nước có 55/63 tỉnh, thành phố chênh lệch giới tính khi sinh. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan đánh giá, sự mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục có xu hướng tăng và lan rộng, cả ở nông thôn, thành thị và tại tất cả vùng, miền trên cả nước. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 triệu đến 4,3 triệu phụ nữ.
Riêng tại Hà Nội, trong 9 tháng năm 2019, tỷ lệ giới tính khi sinh là 111 bé trai/100 bé gái. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình thành phố cho rằng, việc tổ chức thực hiện các giải pháp, các hoạt động nhằm khống chế và giảm thiểu sự mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn thành phố là cấp bách. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, còn gặp phải không ít khó khăn. Cụ thể, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn nặng nề trong xã hội. Trình độ dân trí không đồng đều, tâm lý thích đông con của một bộ phận người dân vẫn tồn tại, nhất là với các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, muốn có nhiều con. Mặt khác, việc kiểm tra, xử lý vi phạm về hành vi lựa chọn giới tính khi sinh còn chưa cụ thể...
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử, Viện Nghiên cứu dân số, gia đình và trẻ em cũng cho rằng, không chỉ đơn thuần sinh con trai để nối dõi tông đường mà do kinh tế, an sinh xã hội còn hạn chế, nên rất nhiều người già phải sống phụ thuộc vào con cái, cộng thêm tập tục bố mẹ thường ở với con trai. Do đó, nhiều người có tâm lý cố sinh cho được con trai, thậm chí, họ tìm cách dựa vào tiến bộ của y học để lựa chọn giới tính ngay từ khi mang thai. Chính vì vậy, để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chúng ta phải có chính sách an sinh xã hội tốt hơn cho người cao tuổi. Từ đó, người cao tuổi bớt phụ thuộc kinh tế vào con cái. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh khung pháp lý với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực dân số, đặc biệt là tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi, cơ sở thực hiện lựa chọn giới tính khi sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.