(HNM) - Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 30-10, đại biểu Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) nhận định, để vượt qua “bẫy” thu nhập trung bình, cần phải tạo đột phá về mặt năng suất và tăng trưởng.
- Tại phiên thảo luận ở hội trường, đa số các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
- Tôi cho rằng, trong năm 2019, nước ta giữ được tốc độ tăng trưởng khá cao, ổn định trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi. Đặc biệt, kinh tế vĩ mô tiếp tục được bảo đảm.
Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch, bội chi có nhưng thấp, nợ công giảm, cho thấy sự bền vững trong phát triển. Nước ta có nền kinh tế mở phụ thuộc lớn vào thị trường thế giới, mặc dù thời gian qua, các nền kinh tế lớn trên thế giới đã đặt ra nhiều rào cản bảo hộ nhưng xuất khẩu của nước ta vẫn cao và hướng đến xuất siêu, dự trữ ngoại hối tăng. Điều đó thể hiện cách thích ứng với thị trường thế giới của nước ta rất tốt.
- Như vậy chúng ta có thể yên tâm với “bức tranh” kinh tế vĩ mô trong thời gian tới không, thưa ông?
- Tôi cho rằng chưa thể hoàn toàn yên tâm với kinh tế vĩ mô. Nguyên nhân bởi trụ cột tăng trưởng kinh tế chưa thực sự được nhìn nhận một cách cụ thể. Đặc biệt, khu vực kinh tế trong nước chưa tạo được sản phẩm, thương hiệu quốc gia để cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường thế giới.
Hiện nay, số lượng nhà đầu tư tư nhân và vốn đầu tư tư nhân tăng cao nhưng hiệu quả lại chưa cao khi mức đóng góp của khu vực này chưa nhiều. Qua báo cáo của Chính phủ có thể thấy thu từ ba khu vực (doanh nghiệp quốc doanh, doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài) còn chưa đạt được kế hoạch, từ đó có thể thấy việc kinh doanh của các doanh nghiệp chưa thực sự tốt. Mặc dù tăng trưởng cao nhưng thu nhập và năng suất lao động của nước ta vẫn xếp vào loại thấp trên thế giới.
- Theo ông, cần phải làm gì để tạo sự đột phá cho nền kinh tế nước ta trong thời gian tới?
- Để vượt qua “bẫy” thu nhập trung bình, tôi cho rằng phải tạo đột phá về mặt năng suất và tăng trưởng. Nếu không đột phá mà cứ giữ tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì chúng ta vẫn ở mức thu nhập trung bình, khó vươn lên sánh vai với các nền kinh tế mạnh trên thế giới. Vấn đề lớn đặt ra là dựa vào đâu để có được những đột phá này? Điều này cần được Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, thảo luận, xem xét cụ thể. Theo tôi, để tạo đột phá cần thay đổi mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.