(HNM) - Được triển khai từ năm 2017, mô hình “Chi hội phụ nữ thực hiện thay đổi hành vi trong an toàn vệ sinh thực phẩm” đã được các cấp Hội Phụ nữ TP Hà Nội duy trì và thực hiện hiệu quả.
Quầy hàng nông sản thực phẩm sạch của cán bộ, hội viên phụ nữ. |
Tuyến phố ẩm thực Tống Duy Tân thuộc phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) chỉ dài hơn 200m nhưng có gần 60 hộ kinh doanh, chủ yếu là các cửa hàng ăn uống, bán đồ ăn chín. Do nằm trong khu trung tâm, diện tích nhiều cửa hàng kinh doanh nhỏ, không đủ để bố trí nơi chế biến bảo đảm vệ sinh theo đúng quy định… nên Hội Liên hiệp phụ nữ phường Hàng Bông đã triển khai mô hình “Chi hội thay đổi hành vi trong an toàn vệ sinh thực phẩm” bằng nhiều hình thức.
Trong đó, Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên ký cam kết, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ngay từ nguyên liệu đầu vào đến quy trình chế biến và sử dụng các chất phụ gia; đồng thời tăng cường công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, phát động phong trào tự quản hè, đường phố tới 100% số hộ kinh doanh ẩm thực.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Hàng Bông Nguyễn Thị Thu Hường chia sẻ: “Qua hơn một năm triển khai mô hình, ý thức bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của hội viên được nâng lên nên trên tuyến phố ẩm thực chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào, cũng không có trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Từ đặc thù địa phương, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ) xây dựng kế hoạch, triển khai mô hình “Tổ phụ nữ thay đổi hành vi trong sản xuất, chế biến rau, củ, quả” tại Chi hội Phụ nữ thôn Phú An.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thanh Đa Nguyễn Thị Thanh cho biết, lúc đầu xây dựng mô hình gặp nhiều khó khăn do yêu cầu áp dụng kỹ thuật trong quy trình sản xuất chặt chẽ hơn so với sản xuất truyền thống. Hội viên còn băn khoăn, lo lắng về thị trường tiêu thụ sản phẩm nên chưa nhiệt tình tham gia.
Tuy nhiên, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, Hội tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm giúp hội viên hiểu rõ những ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, đồng thời giám sát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng kỹ thuật và thời gian cách ly).
Do vậy, sản phẩm rau, củ, quả do các thành viên tổ sản xuất không chỉ được nhân dân trong xã yên tâm sử dụng, mà còn cung cấp cho nhiều trường mầm non trong huyện. Số hộ đăng ký tham gia mô hình ngày càng tăng, đến nay đã kết nạp được hơn 70 thành viên.
Thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội chú trọng vận động hội viên bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thông qua các mô hình và việc làm thiết thực như: “Quầy bán thức ăn chín bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”; “Tổ phụ nữ chế biến món ăn phục vụ các sự kiện”, “Tổ trồng rau an toàn”, “Sản xuất lúa chất lượng cao”, “Sản xuất chè sạch”... Hội cũng đã xây dựng 100 điểm phân phối thực phẩm an toàn trên địa bàn 12 quận nội thành, giúp người dân được sử dụng sản phẩm sạch, chất lượng.
Ngoài ra, các cấp hội còn chủ động tổ chức giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm. Qua giám sát, tổ chức hội đã phát hiện những vấn đề tồn tại, kiến nghị khắc phục và xử lý các trường hợp vi phạm.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyết khẳng định: "Qua đánh giá hằng năm của các đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm cho thấy, 90% các mô hình đã đăng ký thực hiện có hiệu quả. Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình “Chi hội phụ nữ thực hiện thay đổi hành vi trong an toàn vệ sinh thực phẩm”, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về tầm quan trọng của an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó chuyển đổi hành vi, phát huy vai trò của phụ nữ và gia đình trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn, góp phần bảo đảm sức khỏe của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội...".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.