(HNM) - Những năm gần đây, giáo dục nghề nghiệp đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Đây là xu hướng tích cực, nhằm tiến tới cân đối thị trường lao động, đồng thời từng bước hình thành nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.
Lâu nay, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp vẫn tồn tại không ít vấn đề, dẫn đến việc người học nghề thất nghiệp hoặc khó tìm việc làm. Tình trạng này cũng lý giải vì sao nhiều học sinh chưa mặn mà lựa chọn học nghề. Bởi thực tế, người học vẫn mang trong mình nỗi lo - sau học nghề có tìm được việc làm ổn định không? Trong khi đó, thị trường lao động lại đang tồn tại nghịch lý là: Người trong độ tuổi lao động thất nghiệp nhiều, nhưng doanh nghiệp khó tuyển được nhân sự ưng ý hoặc nhiều vị trí việc làm có nguồn cung khan hiếm.
Từ phân tích trên cho thấy, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp vẫn có những hạn chế, yếu kém nhất định cần khắc phục; nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 thì yêu cầu càng phải cao hơn. Trước hết, việc doanh nghiệp tham gia cùng nhà trường trong quá trình đào tạo nghề tự chủ, gắn với nhu cầu của người học đã cho thấy rõ hiệu quả, tuy nhiên số lượng đơn vị tham gia chưa nhiều.
Đây là vấn đề cần tiếp tục được các cấp, ngành chức năng đánh giá thấu đáo để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút nhiều hơn nữa doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Vì lợi ích mang lại của việc này rất lớn, được chia đều cho các bên: Nhà trường chủ động nguồn tuyển sinh; doanh nghiệp có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu; học viên chọn được ngành nghề yêu thích và yên tâm theo học bởi “đầu ra” được bảo đảm…
Khâu then chốt là bản thân các nhà trường phải tự chủ, tích cực đổi mới để bắt kịp xu thế và yêu cầu của thị trường lao động. Bởi thực tế, trong khi có những trường nghề rất “đắt khách” thì nhiều cơ sở đào tạo lại rơi vào cảnh ế ẩm, thậm chí phải đóng cửa. Do đó, những yếu kém nội tại cần được các trường nghề thẳng thắn nhận diện để có giải pháp khắc phục. Đó là trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên về kỹ năng nghề, ngoại ngữ... cần được trau dồi, bồi dưỡng hoặc đào tạo lại (nếu cần); đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất; thay đổi chương trình đào tạo...
Cũng trên cơ sở này, các cấp, ngành chức năng cần rà soát lại toàn bộ hệ thống cơ sở đào tạo nghề trên cả nước để từng bước hóa giải những hạn chế như mạng lưới trường nghề còn chồng chéo, số lượng nhiều nhưng không tinh… Theo đó, việc quy hoạch, cơ cấu lại mạng lưới trường nghề là yêu cầu cấp thiết đặt ra và phải đặt trong “bức tranh” tổng thể của cả nước, xét đến bối cảnh quốc tế để có định hướng đúng đắn, giải thể và sáp nhập như thế nào cho hợp lý; xây dựng trường điểm thật sự đổi mới mang tầm quốc tế… Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về môi trường pháp lý, xã hội để thu hút nhà đầu tư nước ngoài mở cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao.
Cùng với đó là hợp tác, đầu tư cho công tác dự báo thị trường lao động thật khoa học, phải có mối liên hệ với doanh nghiệp, nhà tuyển dụng nhằm nắm chắc, lượng hóa được nhu cầu nhân lực của thị trường lao động.
Với phụ huynh và học sinh, cần thay đổi nhận thức, thực hiện tốt việc phân luồng ngay sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông, tham gia học nghề nếu xét thấy phù hợp điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của bản thân.
Thay đổi nhận thức để thích nghi, phát triển là đòi hỏi thực tiễn. Công tác đào tạo nghề phải hướng đến những gì xã hội đang cần thay vì phải đào tạo những lĩnh vực, ngành nghề sẵn có. Đây là chuyện sống còn của cơ sở đào tạo nghề, vì đó là cách tiến đến mục tiêu người học tốt nghiệp có việc làm và thu nhập ổn định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.