Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay đổi chiến lược

Minh Hiếu| 18/08/2018 06:58

(HNM) - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt bút ký Đạo luật Cấp thẩm quyền quốc phòng quốc gia (NDAA) trong năm tài khóa 2019 trị giá 716 tỷ USD tại căn cứ quân sự Fort Drum ở TP New York.

Đạo luật NDAA được Tổng thống D.Trump gọi là “khoản đầu tư quan trọng nhất cho quân đội Mỹ trong lịch sử hiện đại”.


Bản NDAA được phê duyệt nhanh nhất kể từ năm 1978 này là phiên bản đã được dung hòa giữa những ý kiến trái chiều của các nhà lập pháp tại Thượng viện và Hạ viện. Điều này cho phép Quốc hội nhanh chóng thông qua các chương trình quân sự, loại bỏ những trở ngại, bất đồng trong việc cân bằng chi tiêu quốc phòng với những ưu tiên đầu tư, chi tiêu khác, từ đó giúp hỗ trợ cho quá trình khôi phục sức mạnh quân đội Mỹ.

Theo đạo luật, Mỹ sẽ dành 616,9 tỷ USD cho ngân sách của Lầu Năm Góc, 69 tỷ USD cho các hoạt động quân sự ở nước ngoài và 21,9 tỷ USD cho các chương trình vũ khí hạt nhân của Bộ Năng lượng. Lương của binh sĩ Mỹ sẽ tăng 2,6% kể từ tháng 1-2019, mức tăng lớn nhất trong gần 1 thập kỷ qua.

Ngoài ra, NDAA cho phép nhiều khoản chi từ hàng chục triệu đến hàng tỷ USD để trang bị các loại máy bay, tàu chiến, xe tăng và tên lửa tối tân nhất... nhằm tăng cường sức mạnh quân đội chưa từng thấy trước đó.

Không chỉ đề cập tới những khoản chi ngân sách quốc phòng lớn, hiện đại hóa quân đội nhờ mức tăng 16 tỷ USD so với năm tài khóa 2018, các chính sách quân sự quan trọng của Mỹ trong năm tới cũng phần nào được thể hiện thông qua đạo luật này. NDAA hạn chế khả năng cắt giảm số lượng binh sĩ Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc, nêu rõ đây là biểu tượng cho cam kết của Washington đối với mối quan hệ đồng minh này...

Đặc biệt, NDAA 2019 bao gồm một số điều khoản cho thấy thái độ cứng rắn của Quốc hội Mỹ đối với Nga và Trung Quốc. Đơn cử, đạo luật này tăng cường quyền lực của Ủy ban về Đầu tư nước ngoài vào Mỹ (CFIUS), cơ quan có trách nhiệm thẩm định liệu các khoản đầu tư nước ngoài có đe dọa đến an ninh quốc gia hay không. Biện pháp này được cho là nhằm vào Trung Quốc.

Đối với Nga, đạo luật đề cập trực tiếp đến quan hệ Nga - Mỹ, trong đó có những nội dung như không công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga, cấm hợp tác quân sự cho tới khi Nga rút khỏi Ukraine, nhấn mạnh bất đồng về Hiệp ước Lực lượng hạt nhân chiến lược (INF)...

Điều này cũng phù hợp với Chiến lược quốc phòng mới được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ J.Mattis công bố hồi tháng 1-2018, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển quân đội, đồng thời xác định các mối đe dọa cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng là Trung Quốc và Nga.

Ngay sau khi được công bố, cả Nga và Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực của đạo luật này đối với các mối quan hệ quốc tế. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, đạo luật mang hơi hướng tư tưởng lạc hậu của thời kỳ Chiến tranh lạnh, phóng đại những bất đồng giữa Bắc Kinh và Washington, đồng thời ảnh hưởng tới mối quan hệ hợp tác tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố, nước này sẽ áp dụng mọi biện pháp nhằm bảo đảm an ninh quốc gia trước động thái tăng đáng kể ngân sách quốc phòng của Mỹ. Nhiều ý kiến cũng tỏ ra lo ngại về vòng xoáy chạy đua vũ trang mới giữa Mỹ với các nước khác.

Các chuyên gia nhận định, cùng với nhiều thay đổi chiến lược, NDAA cho năm tài khóa 2019 vẫn luôn phục vụ mục tiêu duy trì, củng cố và nâng cao vị thế, tầm ảnh hưởng của xứ Cờ hoa trên phạm vi toàn cầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi chiến lược

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.