Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thật - giả khó lường

Bài, ảnh: Sơn Trà| 30/04/2011 08:02

(HNM)- Hội thảo quốc tế chuyên ngành cấp cứu do Bộ Y tế tổ chức ngày 28-3-2011 đặt ra hai vấn đề: Thứ nhất, người dân Việt Nam nói chung chưa biết nhiều đến

Thứ hai, phương tiện cấp cứu ngoài bệnh viện và vận chuyển bệnh nhân của các cơ sở còn ít về số lượng và thiếu trang thiết bị đồng bộ. Phải chăng đây là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xe "cấp cứu dù" có điều kiện lộng hành, tiềm ẩn nguy cơ thiếu an toàn?

Thiếu xe cứu thương trầm trọng


Xe vận chuyển người bệnh của Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai.


Ngoài tổ xe cấp cứu chuyên dụng thì từ nhiều năm nay Bệnh viện Việt - Đức đã huy động tiền đóng góp từ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên để trang bị và thành lập một tổ xe vận chuyển người bệnh. Dù luôn hoạt động hết công suất nhưng tổ xe này vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của gia đình bệnh nhân. Đặc biệt là vào các buổi chiều, khoảng thời gian có nhiều bệnh nhân (BN) xuất viện, số xe của cả hai tổ này thường được điều đi hết. BN Việt - Đức thường được chuyển về ngoại tỉnh nên mỗi chuyến chở bệnh nhân mất nhiều thời gian, mỗi xe trong ngày khó mà vận chuyển được nhiều chuyến. Bệnh viện Thanh Nhàn mới được trang bị 2 xe cấp cứu. Số xe này chủ yếu phục vụ vận chuyển BN đến bệnh viện tuyến trên. Còn đối với những người bệnh có nhu cầu xuất viện (về để tiếp tục điều trị tại nhà hoặc BN nặng, hấp hối muốn về với gia đình), người nhà BN thường được nhân viên y tế giới thiệu số điện thoại 04.22015533, là số của Công ty TNHH Vận chuyển người bệnh Bắc Việt (số 48 phố Tăng Bạt Hổ) để gia đình tự liên hệ, thuê xe. Tất nhiên, trang thiết bị y tế cũng như nhân viên y tế đi kèm xe để chăm sóc người bệnh do Bắc Việt cung cấp, không phải là y, bác sĩ của Bệnh viện Thanh Nhàn bởi họ đã hết trách nhiệm ngay sau khi hoàn tất thủ tục xuất viện cho BN.

Trong nhiều năm qua, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội (Trung tâm) liên tục phải trả lời "Hết xe", "Xin chờ một lúc" bởi dù có gồng mình 24/24 giờ thì chục chiếc xe của Trung tâm cũng không thể đáp ứng hết yêu cầu của người dân Thủ đô. Một điều đáng mừng là ngày 21- 4 vừa qua, Trung tâm đã được trang bị thêm 17 xe cứu thương cùng với các trang thiết bị cần thiết. Cũng trong đợt này, Sở Y tế Hà Nội bàn giao 4 xe cứu thương khác cho các bệnh viện Đa khoa Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, Vân Đình. Hy vọng, sự tăng cường này sẽ giúp giảm bớt sự căng thẳng do thiếu xe cứu thương trầm trọng như trước đây.

Khó phân biệt "xe dù"

Chị Phạm Thị Lan Anh (tổ 10 phường Giang Biên, Long Biên) kể: Năm 2010, sau ca phẫu thuật cấp cứu, gia đình chị muốn đưa bố chồng chị từ Bệnh viện Việt - Đức về Bệnh viện Đức Giang để tiếp tục điều trị. Nếu chờ để đăng ký xe của bệnh viện sẽ lỡ lịch hẹn với bác sĩ, chị đã nhờ một người nhà của BN khác (sau này chị biết là "cò") gọi hộ xe cứu thương từ bên ngoài. Trên xe, người mặc áo blu trắng rất lóng ngóng, xe thì xóc, lái xe vừa chạy vừa lạng lách. Quãng đường ngắn như vậy nhưng gia đình chị phải thanh toán phí hơn 700 nghìn đồng. Bây giờ, chị đã rút kinh nghiệm, để tránh xe cấp cứu "dù", phải chọn xe có đầy đủ các dấu hiệu như dấu chữ thập đỏ, hệ thống đèn, còi hú, xe có BKS màu xanh. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, trên thực tế, không phải xe cấp cứu, vận chuyển người bệnh nào mang biển kiểm soát màu trắng cũng là "xe dù".

Bệnh viện Bạch Mai có một đội xe vận chuyển người bệnh. Tuy nhiên, những xe này không được "gắn mác" Bệnh viện Bạch Mai, cũng không có biển kiểm soát màu xanh. Ngoài cái dấu chữ thập đỏ in trên thành xe, chỉ có thêm dòng chữ "vận chuyển bệnh nhân 24/24h và "vận chuyển cấp cứu 24/24h", kèm theo số điện thoại 0438688536. Toàn bộ xe của đội này đều gắn biển trắng, với số BKS như 30P-6154, 30S-1688, 30N-7179… Anh Nguyễn Quang Thắng (Sóc Sơn) cho biết: "Khi thấy những chiếc xe này đỗ ở trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai, tôi đã nghĩ đây là xe "dù". Chỉ đến khi được chỉ dẫn và liên hệ với Phòng trực điều hành vận chuyển BN Bệnh viện Bạch Mai, tôi mới biết những chiếc xe này thuộc tổ xe do bệnh viện quản lý. Số điện thoại ghi trên xe chính là số máy của phòng trực điều hành".

Chiếc xe cứu thương mang BKS màu trắng 30Y- 8969 có lô-gô ghi rõ "Bệnh viện Đa khoa Đức Giang", với đầy đủ trang thiết bị và nhân viên y tế của bệnh viện, đủ điều kiện chăm sóc người bệnh trên đường vận chuyển. Xe vận chuyển người bệnh của Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai cũng có BKS màu trắng nhưng trên thành xe ghi rõ "Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai" cùng địa chỉ, số điện thoại.

Thực tế này cho thấy, chính hệ thống xe cứu thương, vận chuyển người bệnh của các bệnh viện, cơ sở y tế chưa có sự thống nhất về quy cách thông tin cần thiết bên ngoài vỏ xe… Điều này dễ dẫn đến việc BN nhầm lẫn giữa "xe trong" với "xe ngoài".

Cấp cứu người bệnh: tiện xe nào, đi xe đó

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các phòng cấp cứu của Bệnh viện Việt - Đức, Bạch Mai, Xanh Pôn Hà Nội… bệnh nhân được đưa đến bằng đủ mọi phương tiện như xe máy, ô tô của gia đình, taxi, xe cấp cứu 115, xe cấp cứu gắn biển đỏ của quân đội, thậm chí có cả xe ba bánh, xe tải nhỏ… Trong điều kiện khẩn cấp, người nhà BN thường chọn phương tiện sẵn có mà không để ý việc vận chuyển tùy tiện có thể khiến người bệnh bị nặng hơn...

Chỉ có thể triệt tiêu được xe cứu thương "dù" khi giải quyết được đồng bộ các vấn đề sau: thứ nhất, tăng cường lượng xe cứu thương (theo quy chuẩn, quy cách đồng bộ) cho các cơ sở y tế. Thứ hai, đưa mạng lưới cấp cứu (như xe cấp cứu 115) đến các địa bàn cơ sở như các trạm y tế quận, huyện… để tạo hệ thống khép kín việc chăm sóc và vận chuyển người bệnh. Thứ ba, giáo dục, tuyên truyền để cộng đồng thấy rõ tầm quan trọng của việc vận chuyển người bệnh đúng quy cách.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thật - giả khó lường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.