(HNM) - Không nằm ngoài dự đoán, Liên minh trung hữu cầm quyền của Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi đã để mất sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử địa phương diễn ra trong hai ngày 15 và 16-5 vừa qua, trong khi phe đối lập trung tả đang "ăn mừng" thắng lợi trong cuộc bầu cử này.
Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi. |
Theo kết quả sơ bộ công bố ngày 17-5, ngay trong vòng một cuộc bầu cử, các ứng cử viên đảng Dân chủ (DP) đã đắc cử Thị trưởng Turin (với 57,1% số phiếu) và Bologna (52,01%), còn tại Milan, đại diện DP bất ngờ vượt qua ứng cử viên của đảng Nhân dân tự do cầm quyền (PDL) với 47% số phiếu ủng hộ. Liên đoàn phương Bắc - đồng minh chính của ông Berlusconi, cũng đạt kết quả tồi tệ hơn dự kiến tại "cứ địa" Milan.
Các cuộc bỏ phiếu địa phương lần này được dư luận đặc biệt quan tâm khi xem đây như phép thử uy tín đối với các chính đảng, đặc biệt là đảng cầm quyền của ông S.Berlusconi vì Turin, Bologna và Naples và nhất là Milan - thủ đô kinh tế của Italia - vẫn được coi là thành trì của Thủ tướng S.Berlusconi trong suốt 20 năm qua. Ngoài ra, cuộc bầu cử cũng sẽ xác định lại cán cân sức mạnh giữa đảng PDL của ông Berlusconi và đối tác trong liên minh cầm quyền là Liên đoàn phương Bắc (LN), một đảng có tư tưởng bài ngoại và chống nhập cư.
Có thể nói rằng, trong suốt 16 năm qua, đời sống chính trị của đất nước hình chiếc ủng đều xoay quanh nhân vật S. Berlusconi. Nhất cử nhất động của ông đều được các phương tiện thông tin đại chúng quan tâm. Không thể phủ nhận rằng, chính trị gia lão luyện này rất biết cách thu hút số lượng đông đảo cử tri bằng cách khơi lên niềm hy vọng và tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp. Tuy nhiên, với hàng loạt bê bối liên quan đến đời tư, 3 vụ án tham nhũng và gian lận thuế cùng tình trạng kinh tế vô cùng bấp bênh của Italia, không ít người đã nhắc đến đoạn kết trong sự nghiệp chính trị của Thủ tướng S.Berlusconi. Ngay cả những đồng minh chính trị gần gũi nhất như Chủ tịch Hạ viện Gianfranco Fini cũng đã quay lưng lại với ông. Kết quả thăm dò dư luận gần đây cho thấy, tỷ lệ ủng hộ của người dân đối với ông Berlusconi chỉ còn khoảng 30%, mức thấp nhất kể từ khi ông ngồi vào ghế Thủ tướng lần thứ 3 hồi năm 2008. Khoảng 58% số người được hỏi ý kiến nói rằng họ còn ít, hoặc thậm chí là không còn lòng tin đối với nhà lãnh đạo 74 tuổi này.
Dù cuộc bỏ phiếu vòng 2 sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 này song nhiều ý kiến cho rằng, đảng cầm quyền của Thủ tướng Berlusconi rất ít có cơ hội để đảo ngược tình thế. Thất bại của PDL trong cuộc bầu cử sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực trong Chính phủ và dẫn đến khả năng cải tổ nội các. Hiện tại, PDL không còn bảo đảm được thế cân bằng trong Quốc hội khi quyền kiểm soát ở Thượng viện rất mong manh. Còn tại Hạ viện, PDL đang phải đối mặt với nguy cơ mất đa số ghế do không có được sự ủng hộ của Chủ tịch G.Fini và nhóm nghị sĩ "ly khai" khỏi PDL để quy về dưới "trướng" phong trào Tương lai và tự do cho Italy (FLI). Đây sẽ là một rào cản lớn đối với Chính phủ của ông Berlusconi trong các cuộc bỏ phiếu nhằm thông qua các dự luật cải cách sắp tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.