Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thấp thỏm nỗi lo trong mùa mưa bão

Bài, ảnh: Phan Mạnh Hoàn| 17/06/2015 06:20

(HNM) - Hệ thống công trình thủy lợi ở Hà Nội đang bộc lộ nhiều bất cập: Công trình thủy lợi quá cũ, kênh mương bị thu hẹp, bồi lắng, vi phạm tràn lan không được xử lý, đô thị hóa diễn ra nhanh... khiến người dân Thủ đô không khỏi lo lắng mỗi khi mùa mưa bão đến.



Thế nhưng thực tế hiện nay, hệ thống công trình thủy lợi ở Hà Nội đang bộc lộ nhiều bất cập: Công trình thủy lợi quá cũ, kênh mương bị thu hẹp, bồi lắng, vi phạm tràn lan không được xử lý, đô thị hóa diễn ra nhanh... khiến người dân Thủ đô không khỏi lo lắng mỗi khi mùa mưa bão đến.

Công nhân Công ty Thủy lợi Mê Linh bảo dưỡng Trạm bơm Thanh Điềm trước mùa mưa bão 2015.


Công trình thủy lợi cũ và xuống cấp

Hiện nay, toàn TP Hà Nội có tổng số 2.033 trạm bơm, trong đó có 122 trạm bơm dã chiến, các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố quản lý 568 trạm bơm, UBND cấp huyện quản lý 1.465 trạm bơm. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp thủy lợi và các huyện thường xuyên tu sửa, nâng cấp góp phần nâng cao tuổi thọ công trình và bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành. Tuy nhiên, hạn chế nhất là đa số công trình tưới, tiêu được xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, nhiều công trình đã xuống cấp, hệ số tưới, tiêu thiết kế nhỏ. Các hạng mục thủy công, thiết bị cơ khí, thiết bị điện được vận hành nhiều năm hiện đã xuống cấp, hạn chế năng lực khai thác. Thậm chí có những trạm bơm xây dựng từ những năm 1928-1960 đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng vẫn phải "gồng mình" hoạt động như Trạm bơm Phù Sa, Sơn Tây (xây dựng năm 1928), Trạm bơm Thụy Phương 1, quận Bắc Từ Liêm (xây dựng năm 1960)...

Bên cạnh đó, hệ thống công trình tiêu thoát nước phục vụ sản xuất và dân sinh cho các đô thị còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, bị chia cắt, giảm năng lực tiêu thoát; nhiều hồ chứa trên địa bàn chưa có quy trình vận hành, các cống tiêu đã xuống cấp, cánh cống, phai cống, cửa van hư hỏng chưa có phương án thay thế, sửa chữa đồng bộ. Nhiều hệ thống tiêu lớn đã bị bồi lắng không được nạo vét thường xuyên làm thu hẹp dòng chảy như trục Sông Nhuệ, Sông Tích. Một số khu vực trước đây vẫn tiêu tự chảy nhưng hiện nay khả năng tiêu bị hạn chế như: Hoài Đức, Từ Liêm, Hà Đông tiêu ra Sông Nhuệ; Đông Anh tiêu ra Sông Thiếp - Ngũ Huyện Khê; Gia Lâm tiêu ra sông Cầu Bây...

Theo Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi Nguyễn Vĩnh Liên, tình hình vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi thời gian qua luôn là vấn đề nhức nhối. Điển hình là trên các hệ thống tiêu chính như: Sông Nhuệ, từ đầu năm 2015 đến nay để xảy ra gần 70 vụ; Sông Tích là 20 vụ; Sông Đáy 12 vụ... Các vi phạm chủ yếu là xây dựng nhà ở, làm công trình phụ, nhà tạm, làm đăng chặn, trồng cây thân gỗ trên bờ, mái sông, kênh, trong lòng hồ chứa, hành lang bảo vệ các công trình thủy lợi. Bên cạnh tốc độ đô thị hóa nhanh làm cho hệ thống công trình thủy lợi bị chia cắt, tạo ra các khu đất xen kẹt không còn hệ thống tiêu khi mưa úng lớn xảy ra... "Mặc dù hằng năm các công trình đều được đầu tư cải tạo, nâng cấp nhưng do nguồn kinh phí hạn chế, hiện trạng công trình già cỗi, xuống cấp nên hệ thống các công trình vẫn chưa đáp ứng yêu cầu tiêu úng khi có mưa lớn kéo dài xảy ra trên diện rộng" - ông Liên nhấn mạnh.

Xây dựng các giải pháp ứng phó

Trong trường hợp mưa lớn xảy ra 200mm trên diện rộng, giải pháp trước mắt trong tiêu úng là phải tuân thủ phương châm "bốn tại chỗ" phối hợp điều hành đồng bộ giữa tiêu úng nội thành và ngoại thành. Khi có mưa lớn sẽ áp dụng phương án tiêu nước ra 3 vùng gồm: Vùng tiêu Sông Tích, Thanh Hà (hữu Đáy); vùng Sông Nhuệ (tả Đáy) và vùng Bắc Hà Nội thuộc sông Cà Lồ, Sông Đuống. Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tập trung tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về ý thức bảo vệ công trình thủy lợi; kiên quyết giải tỏa các vi phạm trên dòng chảy và kịp thời ngăn chặn các vi phạm mới, tái vi phạm trên các sông, kênh chính đặc biệt là trục chính Sông Nhuệ. Các doanh nghiệp thủy lợi thực hiện tốt việc duy tu, bảo dưỡng, cải tạo nâng cấp các công trình thủy lợi bảo đảm vận hành an toàn phục vụ sản xuất, chống úng vụ mùa năm 2015.

Về giải pháp lâu dài, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Thanh Nhã, Bộ NN&PTNT sớm chỉ đạo các địa phương rà soát quy hoạch hệ thống thủy lợi Bắc Đuống; đồng thời xem xét nhiệm vụ tiêu nước của cống Long Tửu, vận hành cống Long Tửu theo hai chiều phục vụ lấy nước và hỗ trợ chống úng ngập hai bên bờ Sông Thiếp, Ngũ Huyện Khê và kênh Long Tửu. Bộ NN&PTNT tiếp tục bố trí kinh phí đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án hồ chứa nước Đồng Mô; nạo vét Sông Đáy; nâng cấp hệ thống Sông Nhuệ… Đối với UBND thành phố Hà Nội bố trí kinh phí thực hiện dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Cụm đầu mối Liên Mạc, dự án tiếp nước, cải tạo, khôi phục Sông Tích, dự án Trạm bơm tiêu Đông Mỹ, Yên Thái, Săn… để các công trình sớm hoàn thành và đưa vào vận hành phục vụ tiêu nước chống úng ngập cho Hà Nội trong mùa mưa bão.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thấp thỏm nỗi lo trong mùa mưa bão

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.