(HNM) - Hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Mê Linh đã có nhiều cách làm hay và sáng tạo góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Trong đó, nổi bật là mô hình “Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân ủng hộ lắp đặt đèn chiếu sáng tại các tuyến đường
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh Nguyễn Thị Quý, cho biết: "Sau khi lắp hệ thống đèn compact, đường làng, ngõ xóm không chỉ sáng đẹp hơn, thuận tiện cho việc đi lại mà còn bảo đảm an ninh, trật tự.
Đường liên thôn xã Đại Thịnh đã được lắp đèn chiếu sáng. |
Để triển khai mô hình này, Hội Phụ nữ cùng Ban Công tác Mặt trận thôn tổ chức họp dân, vận động mỗi hộ gia đình tự nguyện đóng góp kinh phí mua dây, bóng đèn tiết kiệm điện để lắp đặt trên cột điện dọc trục đường chính và các tuyến đường nhỏ, đường ngõ. Với số tiền các hộ đóng góp (350.000 - 500.000 đồng/hộ), Hội Phụ nữ mua các thiết bị cần thiết, lắp đặt và nhanh chóng hoàn thành công trình. “Thời gian đầu, không phải ai cũng hưởng ứng, nhưng do tổ chức hội tích cực tuyên truyền nên 100% gia đình hội viên thực hiện và còn vận động các hộ lân cận tham gia” - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Đại Bái Nguyễn Thị Thoa cho biết.
Trước đây, hầu hết tuyến đường trong thôn chưa có hệ thống chiếu sáng, nên tình trạng trộm cắp thường xuyên xảy ra. Bà con thấy được tiện ích của hệ thống chiếu sáng đường làng ngõ xóm nên tích cực đóng góp kinh phí. 35 bóng đèn compact đầu tiên được lắp đặt chạy dọc theo tuyến đường tại địa bàn tổ phụ nữ số 6 thôn Thường Lệ. Từ kết quả thực hiện điểm, các trục đường chính tại tổ phụ nữ số 5, 7, 8, 9 tiếp tục được triển khai. Đến tháng 5-2016, Hội Phụ nữ xã đã vận động được 767 hộ tham gia với tổng số tiền gần 200 triệu đồng, bàn giao 6.900m dây, 11 công tơ điện, 295 bóng đèn có máng che trên các trục đường trong thôn dài 6.220m. Mỗi trục đường được lắp đặt 1 công tơ điện riêng. Thời gian vận hành hệ thống chiếu sáng được điều chỉnh theo từng mùa và giảm thiểu số bóng sáng hoặc tiết giảm cường độ bóng sáng sau 23h đêm để tiết kiệm điện năng…
Có mục sở thị mới thấy đường điện chiếu sáng "đi" đến đâu là mang theo niềm vui, phấn khởi cho bà con đến đó. Hằng đêm, đèn điện được bật sáng, soi tỏ lối đi sạch sẽ hai bên đường, nên ai nấy đều phấn khởi, ý thức hơn về việc giữ gìn môi trường văn hóa chung. Bà Nguyễn Thị Nhàn, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Thường Lệ vui mừng nói: “Lúc trước chưa có hệ thống đèn đường, người dân rất ít khi ra đường vào ban đêm, nhưng giờ đường làng sáng, sạch hơn nên bà con đi lại đông vui hơn nhiều”. Nguyễn Văn Dương, học sinh lớp 10 Trường THPT Mê Linh cho hay: “Trước đây, em đi học thêm buổi tối thường rất sợ bị kẻ xấu cướp xe đạp hoặc không may vướng ổ gà. Kể từ ngày có đèn đường, em yên tâm hơn”.
Mô hình “Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân ủng hộ lắp đặt đèn chiếu sáng tại các tuyến đường” không chỉ tạo điều kiện cho bà con đi lại thuận tiện vào ban đêm, giảm tình trạng trộm cắp và tai nạn giao thông, mà còn phát huy được tinh thần tự lực của người dân. Đây cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm thực hiện mục tiêu toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới của huyện Mê Linh. "Mặc dù mới triển khai, nhưng mô hình đã tạo được dấu ấn đậm nét bởi tính hiệu quả của nó. Hội Liên hiệp phụ nữ huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động để người dân đóng góp, nhân rộng mô hình này đến những thôn chưa có hệ thống chiếu sáng đường làng ngõ xóm, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn” - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Mê Linh Trịnh Thị Hồng Ngân chia sẻ.
Khi màn đêm buông xuống, những con đường liên thôn ở xã Đại Thịnh lại rực sáng ánh đèn. Bà con nơi đây không còn phải soi đèn pin mỗi khi có việc qua nhà hàng xóm lúc trời tối, cũng không phải thấp thỏm lo âu vì mất gà, trộm chó như trước nữa. Ánh sáng của sự đồng thuận đã đem lại sự tiện lợi cho sinh hoạt của người dân và góp phần kết nối, thắt chặt mối quan hệ tình làng nghĩa xóm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.